Sau nhiều năm án binh bất động, các dự án cũ được tai khởi động để xây lên những cao ốc mới. Đây cũng là những dấu hiệu cho thấy đang có làn sóng đầu tư mới vào bất động sản.
Sau nhiều năm án binh bất động, các dự án cũ được tai khởi động để xây lên những cao ốc mới. Đây cũng là những dấu hiệu cho thấy đang có làn sóng đầu tư mới vào bất động sản.
Năm 1997, Tập đoàn Larkhall của Hong Kong ược Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam. Theo giấy phép ban đầu, Larkhall sẽ liên doanh với một nhà đầu tư Việt Nam để xây dựng một cao ốc văn phòng nằm trên đường Nguyễn Huệ được bao bọc bởi hai đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi với tổng vốn đầu tư 62 triệu USD. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cùng với nhiều nguyên nhân khác đã khiến Larkhall không thể triển khai dự án theo đúng kế hoạch. Năm 2005, sau khi dự án được chuyển sang hình thức 100% vốn nước ngoài do Larkhall làm chủ đầu tư, dự án đã được khởi động trở lại.
Ông Nguyễn Đức Kiệt, phó tổng giám đốc Larkhall tại Việt Nam, cho biết, đến đầu tháng 10/2006 đã hoàn tất phần móng, nếu không có gì thay đổi, cụm cao ốc văn phòng của Larkhall sẽ hoàn thành vào năm 2008. Dự án đã được tăng vốn đầu tư lên 125 triệu USD. Tại đây, dự kiến xây dựng hai tháp cao 39 tầng dùng làm khách sạn năm sao và khu văn phòng, nhà ở cao cấp. Ngoài ra còn có khu thấp tầng được sử dụng làm trung tâm thương mại.
Tương tự, dự án “Quảng trường hạnh phúc” với mục tiêu xây dựng một khu phức hợp cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại do Tập đoàn Fei Yuel (Đài Loan) làm chủ đầu tư cũng đang khởi động phần móng của công trình. Đây là dự án liên doanh đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép với tổng số vốn đầu tư lên đến 468 triệu USD vào năm 1995 nhưng không thể triển khai vì nhiều lý do khác nhau. Hơn 10 năm sau, cuối tháng 6/2006, sau khi đã được chuyển sang hình thức 100% vốn nước ngoài do Tập đoàn Fei Yeul làm chủ đầu tư với vốn được điều chỉnh xuống còn 150 triệu USD, dự án đã được khởi công.
Theo bà Trương Diệu Ngọc, giám đốc hành chính dự án, theo tiến độ này đến đầu năm 2008 dự án sẽ hoàn thành giai đoạn một với hai cao ốc 14 tầng và một trung tâm thương mại 4 tầng. Sau đó sẽ tiếp tục với 4 tòa nhà ở cao 22 tầng, cao ốc khách sạn và khu căn hộ cho thuê cao 24 tầng.
Dự án KumHo - Sài Gòn sau khi chuyển sang 100% vốn nước ngoài do Tập đoàn KumHo (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư cũng đã được triển khai để xây dựng khu liên hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại tại 39 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM.
Làn sóng đầu tư mới
Theo một chuyên gia về đầu tư tại TP HCM, việc nhiều dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản tại TP HCM bị “đóng băng” một thời gian dài nay khởi động đồng loạt đã cho thấy những tín hiệu rất tích cực về môi trường đầu tư tại Việt Nam. “Hầu hết chủ đầu tư các dự án trên đều là những tập đoàn lớn, có uy tín, vì vậy việc triển khai trở lại các dự án đầu tư có quy mô lớn tại Việt Nam sẽ kéo các nhà đầu tư khác tìm đến”, vị chuyên gia này phân tích.
Ông Nguyễn Đức Kiệt cho biết, hiện nay ngoài dự án xây dựng khu cao ốc phức hợp tại 22-36 Nguyễn Huệ, Tập đoàn Larkhall cũng đang khảo sát và làm thủ tục để chuẩn bị đầu tư vào một số dự án khác tại TP HCM. “Chúng tôi chưa thể công bố chi tiết các dự án tiếp theo, nhưng chắc chắn sẽ là những dự án có quy mô rất lớn”, ông Kiệt nói.
Nhiều chuyên gia về đầu tư cho biết, thị trường bất động sản tại Việt Nam đang nóng trở lại, đặc biệt “cơn khát” về văn phòng cho thuê tại TP HCM đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không muốn đánh mất cơ hội.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng phân tích những thay đổi về chính sách vĩ mô đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản vài năm trở lại đây đã khiến làn sóng đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam.
Một lãnh đạo của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) mới đây cho biết dự án xây dựng khu trung tâm thương mại quốc tế trên nền của thương xá Tax hiện nay, tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, quận 1, TP HCM, đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với một nhà đầu tư nước ngoài. Dự án này có vốn đầu tư lên đến 150 triệu USD với một tổ hợp khu trung tâm thương mại, trung tâm tổ chức hội nghị quốc tế, văn phòng cho thuê, khách sạn, siêu thị cao cấp, nhà hàng dịch vụ, khu giải trí cao cấp...
Ngoài ra, khu Eden và một số khu vực khác ở trung tâm của TP HCM cũng đang nằm trong “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác.
(Theo Tuổi Trẻ)