Hiện tại, Thành phố mới Bình Dương đã lộ rõ những bất cập, hạn chế sau nhiều năm đầu tư phát triển. Những khu phố đã hoàn thiện nhưng hoang vắng bóng người, công trình xuống cấp, bỏ hoang gây nhiều lãng phí... điều đó cho thấy, giữa tầm nhìn, quy hoạch và thực tiễn vẫn còn khoảng cách rất xa. Thực trạng ảm đạm này là do đâu?
Dù các khu nhà tại Thành phố mới Bình Dương đã xây dựng xong nhưng
vẫn hoang vắng, không có người đến ở.
Các chuyên gia đã chỉ rõ những điểm hạn chế kìm hãm sự phát triển và đề ra những giải pháp để thay đổi hiện trạng của Thành phố mới Bình Dương.
Chuyên gia bất động sản (BĐS) cá nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh ông Phan Công Chánh cho rằng: “Thành phố mới Bình Dương đưa ra tầm nhìn quá xa so với thực tế. Hiện vấn đề cốt lõi của địa phương này là chính sách đưa dân về khu vực Thành phố mới. Để có thể thu hút dân về đây ở không phải là điều dễ dàng mà cần phải có chính sách lâu dài. Tôi cho rằng, nên tập trung vào những doanh nhân, các nhà kinh doanh. Bởi họ sẽ tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động, tất yếu người lao động sẽ theo họ về đây".
Tại đây giá BĐS cũng đã bị đẩy lên cao so giá trị thật của nó, ông Chánh cho biết và nói: “Có thời điểm tôi tìm hiểu thị trường thành phố mới giá lên tới từ 8-9 tỷ đồng/căn. Có thể nói, đây là điểm nghẽn của khu vực này.".
Bàn về việc phát triển đưa dân về Thành phố mới Bình Dương, theo Phó Giám đốc Công ty Đất Lành ông Nguyễn Văn Đực: “Đối với chính quyền, “dời đô” đi một khu vực mới là một chuyện cực kỳ khó khăn do sức ì ở lại rất lớn. Hơn nữa, các đô thị mới sẽ không phát triển nếu chúng ta không thực hiện đồng bộ và tốt, vì thế người dân vẫn chỉ quanh quẩn ở những khu vực cũ”.
Trên thực tế, khu Thủ Thiêm và Khu Nam Tp.HCM là minh chứng rõ ràng nhất. Ông Đực cho hay: “Nếu như Nam Sài Gòn được mỗi khu vực Phú Mỹ Hưng có thể xem là thành công thì khu Thủ Thiêm hiện nay không dễ để có được điều đó. Nguyên nhân là, đa số người dân vẫn chỉ thích những khu đô thị cũ, với họ mọi thứ ở đó đều đã trở nên quen thuộc, gắn bó. Do đó, để đưa họ qua một khu đô thị mới là điều không hề đơn giản. Vậy nên, hiện cần phải có chính sách gì đó thực sự đột phá và đồng bộ. Không phải cứ xây nhà, xây đường là người dân sẽ đến ở.".
Chuyên gia này cho biết, khi di dời trung tâm hành chính sẽ kéo theo người đến làm nhưng lại chưa đủ để kéo người đến ở. “Mặc dù đưa trung tâm hành chính ra song mấy ông cán bộ cũng chỉ ở chỗ cũ bởi còn có gia đình, vợ con của họ nữa... Tôi cho rằng, Bình Dương chưa đủ sức để di dời dân ra khu Thành phố mới”, ông Đực thẳng thắn bày tỏ.
Theo ông Đực, Bình Dương cần phải xây dựng thêm các tiện ích dịch vụ, dù có trường đại học nhưng trường đó cũng phải có tên tuổi chứ không có tên tuổi lấy đâu ra sinh viên theo học. Mặt khác, bệnh viện, các trung tâm văn hóa thiếu nhi cũng phải được đầu tư thích đáng, thậm chí là hơn khu đô thị cũ thì mới mong thu hút được dân đến ở.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu phân tích: “Muốn một khu đô thị mới có đông dân đến ở thì phải có sự đồng bộ về hạ tầng, cụ thể hạ tầng ở đây có 2 loại: Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhất định hạ tầng kỹ thuật phải có trước. Còn hạ tầng xã hội bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và các phương tiện giao thông công cộng trong toàn khu vực... nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
Theo chuyên gia này, Thành phố mới Bình Dương hiện vẫn đang thiếu và yếu những vấn vừa nêu. Do đó mà chưa thu hút được người dân đến sinh sống.
Ông Châu nhận định: “Mức giá BĐS tại khu vực này vẫn đang là một dấu chấm hỏi. Phải chăng giá cả quá cao khiến cho phần đông dân cư của Bình Dương là công nhân và người có thu nhập trung bình chưa thể tiếp cận khu vực này để sinh sống, thành phố vì thế mà trở nên hoang vắng.
Đến bao giờ Thành phố mới Bình Dương có sớm thoát khỏi cảnh “chợ chiều”? Hiện vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ, một chính sách thực sự đột phá trong tương lai mới mong thay đổi được thực trạng này.