Tháo gỡ hàng chục ngàn căn hộ tồn kho sẽ là thách thức lớn nhất cho thị trường bất động sản năm 2013
Tháo gỡ hàng chục ngàn căn hộ tồn kho sẽ là thách thức lớn nhất cho thị trường bất động sản năm 2013
Ý kiến tại toạ đàm “Triển vọng thị trường bất động sản 2013” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội, ông Phan Thành Mai – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, “di sản” của các nhà đầu tư bất động sản năm 2013 là khoản nợ khồng lồ tại các ngân hàng thương mại và lượng hàng tồn kho “khủng” với số lượng lên đến hàng triệu m2 sàn xây dựng từ nhiều năm trước cộng lại.
Bất động sản là một trong những ngành hàng có mức giảm điểm mạnh nhất trên sàn chứng khoán, hiệu quả kinh doanh thấp nhất. Xét trong nhóm 12 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có kết quả kinh doanh tốt trong Quý IV/2011 thì tại thời điểm Quý II/2012, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) sụt giảm từ 25,2 về mức 7,9%. Tác động 2 chiều của thị trường bất động sản đến kinh tế vĩ mô là vô cùng lớn. Bức tranh của thị trường năm 2013 được dự báo là chưa có tín hiệu đi lên.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản hầu hết đều bị thua lỗ, có những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được lãi vay, nợ vay, không thể cơ cấu lại nợ đến hạn, quá hạn, hàng tốn kho rất lớn và không bán được. Tình hình thị trường bất động sản là hệ quả của một thời gian dài diễn biến tự phát, lệch pha, yếu tố đầu cơ không minh bạch, không ổn định và phát triển thiếu bền vững.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, mặt tích cực của thị trường bất động sản hiện nay là giá cả bất động sản đang quay trở về giá trị thực của nó. Đây là thời điểm thích hợp để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước để tồn tại và phát triển, đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp có thực lực chuẩn bị quỹ đất đầu tư, nhận chuyển nhượng lại dự án tốt. Người dân có điều kiện và có lợi thể để chọn mua đất nền dự án, căn hộ để ở với giá hợp lý hơn; Nhà nước có điều kiện để điều chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách điều hành nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản là một ngành sản xuất nền tảng của nền kinh tế.
3 kiến nghị lớn của các doanh nghiệp bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Châu bao gồm: kiến nghị có chính sách tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua nhà để ở đặc biệt là người mua căn nhà đầu tiên, hoặc đang ở chật hẹp (có diện tích ở bình quân dưới 5m2/người/hộ) muốn mua thêm căn nhà thứ hai để cải thiện điều kiện ở với lãi suất ưu đãi; Tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trên thị trường bất động sản được vay tín dụng để kinh doanh bất động sản; Nới rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại để tăng “cầu” và góp phần làm hồi phục thị trường bất động sản.
Theo ông Trần Văn Tần – Trưởng phòn Tín dụng (Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước), thị trường bất động sản trong thời gian qua là một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Sự phục hồi và phát triển ổn định của thị trường bất động sản sẽ tạo ra sự lan toả và có tác động tích cực đến nền kinh tế. Vì vậy, trong năm 2013 và những năm tiếp theo để giúp thị trường “ấm“ lên cần phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ngành ngân hàng cần tập trung vào các nội dung gồm:
Thứ nhất là bài toán kỳ hạn của “luồng“ vốn đầu tư cho bất động sản. Theo ông Tần, nhu cầu về nhà ở cho 88 triệu người đân Việt nam là rất lớn, tuy nhiên cầu có khả năng thanh toán theo mặt bằng giá bất động sản hiện nay là hạn chế vì vậy cần có sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính khác cho người dân.
Thứ hai, nhu cầu vốn cho các nhà đầu tư và người mua nhà trên thị trường thường có thời hạn dài, trong khi đó ngân hàng lại thiếu các nguồn vốn dài hạn để đáp ứng cho các nhu cầu này, do đó cần có những công cụ tài chính để chuyển các khoản vốn tài trợ ngắn hạn thành vốn trung dài hạn.
Thứ ba là các công cụ mà các nước thường áp dụng là thành lập các Quỹ tiết kiệm về nhà ở và hình thành Cơ quan tái thế chấp nhà ở quốc gia.
Theo ông Tần, năm 2013, ngành ngân hàng tiếp tục đầu tư cho xây dựng nhà ở và thị trường bất động sản, tập trung nguồn vốn cho vay đối với nhà ở cho các đối tượng xã hội, các công trình sắp hoàn thành hoặc đang triển khai đúng tiến độ để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án thuộc phân khúc thị trường không phù hợp và đang gặp khó khăn, như các dự án nhà ở cao cấp, văn phòng cho thuê... Tất cả những biện pháp đó sẽ là góp phần giải quyết một cách cơ bản các vấn đề của thị trường đặt ra trong tương lai trung hạn, ông Tần cho biết!
(Theo Đầu tư)