Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên - môi trường, tham nhũng phổ biến nhất trong đất đai liên quan đến những người trung gian, hay còn gọi là “cò” đất.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên - môi trường, tham nhũng phổ biến nhất trong đất đai liên quan đến những người trung gian, hay còn gọi là “cò” đất.
Ông Võ cho biết, để hoàn tất nhanh thủ tục nhà đất, người dân phải sử dụng dịch “cò” hoặc các loại kinh phí “bôi trơn”. Kết quả điều tra 600 ý kiến của cán bộ cấp huyện, tỉnh, đại diện doanh nghiệp, người dân… của năm tỉnh, có thể thấy rằng, tham nhũng phổ biến nhất trong đất đai liên quan đến những người trung gian.
Theo ông Ông Võ, loại tham nhũng này có mức độ không lớn, vì chi phí mỗi lần không cao nhưng lại phổ cập, vì gần như ở tất cả các nơi đều cần “cò” giúp hoàn thành thủ tục. Loại tham nhũng này làm trì trệ thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, cũng như đăng ký các giao dịch về bất động sản.
Báo cáo tại hội thảo về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản diễn ra mới đây cho thấy, hiện nay trong quản lý đất đai Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức thậm chí còn lớn hơn trước kia. Trong giai đoạn 2001 – 2010, gần 1 triệu hecta đất nông nghiệp đã chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp và hơn 5 triệu hecta đất từ bỏ hoang (chiếm 62% tổng số đất bỏ hoang trong năm 2000) được chuyển đổi thành đất được sử dụng cho nhiều mục đích hữu ích khác nhau. Bản chất các quyền về đất đai, từ mức độ có thể dự báo, đảm bảo và tiếp cận các quyền này, đã đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng những lựa chọn kinh tế và chiến lược sinh kế trong tất cả các ngành của xã hội.
Chính sách và tập quán sử dụng đất có ảnh hưởng rất lớn đến tính sẵn sàng, khả năng tiếp cận đất đai và những triển vọng quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Công cuộc chuyển đổi mục đích sử dụng đất toàn diện đang diễn ra hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho tính liêm chính bởi những đặc lợi tiềm ẩn khổng lồ luôn là bóng ma của tham nhũng.
Bà Lis Rasmussen Rosenholm, phó đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, tham nhũng trong đất đai ngày càng tăng lên, làm cho người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu hơn. Việc chuyển hình thức sử dụng đất với giá đền bù thấp so với giá thị trường khiến những người nông dân càng nghèo, trong khi các nhà đầu tư được lợi.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp Quốc hội cho rằng tình hình tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.
Với hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn tỷ ha đất bị thất thoát, hàng nghìn cán bộ bị xử lý trong những năm qua cho thấy tỷ lệ tham những chưa giảm. Cả nước 63 tỉnh mà mới chỉ có 25-26 đơn vị phát hiện tham nhũng, tôi cho rằng con số đó còn quá ít.
Các địa phương phải xin ngân sách, xin quy hoạch, xin dự án nhiều nên tỷ lệ tham nhũng chủ yếu ở cấp phường xã. Ở các cấp trung ương, không có nhiều vụ tham nhũng nhưng khi phát hiện ra vụ nào thì thường rất lớn và có tổ chức. Riêng trong lĩnh vực đất đai, rất nhiều khâu có tham nhũng kể cả khâu quy hoạch.
Để ngăn chặn tham nhũng thì cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát, tòa án, giám sát Quốc hội, giám sát Hội đồng nhân dân lại phải có năng lực về nghiệp vụ, bản lĩnh để phát hiện ra vấn đề. “Chúng tôi kỳ vọng Trung ương Đảng sẽ có nghị quyết chuyên đề, định hướng chiến lược để hoàn thiện cơ chế quản lý trong lĩnh vực đất đai”, ông Quyền chia sẻ.
Duy Khánh