51 dự án sân golf tiếp tục bị loại bỏ, 7 tỉnh không còn và 13 tỉnh có dự án sân golf ngừng triển khai….
51 dự án sân golf tiếp tục bị loại bỏ, 7 tỉnh không còn và 13 tỉnh có dự án sân golf ngừng triển khai….
Đây là thông tin tại báo cáo kết quả thực hiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ sáu vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến các vị đại biểu.
Chỉ quy hoạch sân golf ở trung du, miền núi
Tại kỳ họp Quốc hội thứ năm, những chất vấn về sân golf đã “vây” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và làm nóng nghị trường với những thông tin gây không ít lo ngại.
Kỳ họp thứ sáu, không trả lời chất vấn trực tiếp, song Bộ trưởng cũng đã trả lời chất vấn bằng văn bản trên 20 câu hỏi của đại biểu Quốc hội và 70 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Và, hệ lụy của các dự án sân golf vẫn tiếp tục là nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm.
Ở báo cáo này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, theo quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt, cả nước có 89 sân golf, trong đó 19 sân đã hoạt động, 70 sân dự kiến quy hoạch. Như vậy, so với kết quả rà soát, số sân golf tiếp tục bị loại bỏ là 51 dự án.
Báo cáo cũng cho biết, tháng 7/2010 sẽ thanh tra toàn bộ các dự án có mục tiêu sân golf. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đaọ hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích sân golf. Chỉ quy hoạch các dự án sân golf ở khu vực miền núi, trung du. Kiên quyết không cho chuyển mục đích sử dụng đất làm sân golf sang xây dựng nhà ở để bán, kinh doanh bất động sản….
Tiêu chí đánh giá tác động môi trường cho các sân golf và quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước trong xây dựng và khai thác sân golf cũng sẽ được công bố.
Đầu năm 2012 sửa Luật Đất đai
Liên quan đến vấn đề khiến nhiều vị đại biểu và cử tri “hết sức sốt ruột" là sửa Luật đất đai, Bộ trưởng Nguyên cho biết sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp đầu năm 2012 và thông qua tại kỳ họp cuối năm.
Dự kiến Luật đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành vào năm 2013, phù hợp với thời điểm hết hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm được Nhà nước giao theo Nghị định số 64/CP năm 1993.
Hiện nay bộ đang tiến hành các công việc để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai một cách căn bản và toàn diện, báo cáo viết.
Sự sốt ruột của nhiều đại biểu với dự án luật này cũng xuất phát từ những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần.
Báo cáo của bộ cũng dẫn kết quả kiểm tra việc sử dụng đất các tổ chức được giao, thuê đất theo chỉ thị số 31/2007/CT – TTg. Theo đó có tới 9% trong số 144.485 tổ chức được giao, thuê đất sử dụng sai mục đích, như cho mượn, cho thuê trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật…
Theo báo cáo, bộ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra trực tiếp tại nhiều địa phương, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức sử dụng đất có vi phạm để xử lý kỷ luật.
(Theo VnEconomy)