Nói về tính minh bạch của thị trường bất động sản Hà Nội, ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung bất động sản hạn chế, thủ tục cơ chế chưa rõ ràng nên vấn đề minh bạch sẽ còn phải giải quyết lâu dài.
Nói về tính minh bạch của thị trường bất động sản Hà Nội, ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung bất động sản hạn chế, thủ tục cơ chế chưa rõ ràng nên vấn đề minh bạch sẽ còn phải giải quyết lâu dài.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, mỗi năm các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới đã cung cấp cho thị trường khoảng 1,2 triệu m2 nhà ở. Hiện, Hà Nội có trên 800 dự án với diện tích đất khoảng 75.189 ha (trong đó số dự án khu đô thị mới, khu nhà ở hỗn hợp là 390 dự án, với diện tích đất gần 39.000 ha).
Nếu như từ nửa cuối năm 2008 thị trường sụt giảm mạnh, đến hết quý I/2009 vẫn ở tình trạng đóng băng thì sang quý II/2009 thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục trở lại. Tới quý III/2009, tại khu vực Hà Nội có sự tăng giá mạnh ở tất cả các mảng thị trường nhà ở. Giá nhà, đất liên tục được điều chỉnh và tăng khoảng từ 15% đến 20% so với quý II/2009. Đặc biệt, sang nửa cuối quý I và đầu quý II/2010 giá cả bất động sản được đẩy lên cao, tăng bình quân 30%, có khu vực tăng hơn 40% so với quý IV/2009.
Khác với Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản Hà Nội có những đặc điểm riêng. Ông Nguyễn Trung Vũ, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Thế kỷ chia sẻ tại buổi hội thảo mới đây của CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, trong khi tại TP Hồ Chí Minh có hiện tượng các nhà phát triển dự án giảm giá cho các đơn vị kinh doanh từ 5 -7%, có khi lên tới 20%, tại Hà Nội lại luôn có hiện tượng giá chênh. Chính việc này đã đẩy giá bất động sản lên cao.
Vấn đề nữa mà ông Vũ đặt ra đó chính là cơ chế và con người. Nhiều dự án đã phải mất nhiều thời gian trong việc xin cấp phép, bình thường mất vài năm có khi lúc lên tới chục năm mà vẫn chưa được giải quyết. Số lượng dự án lớn nhưng đang chờ quy hoạch đã tác động phần nào đến sự khan hiếm và giá của bất động sản.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, từ 1993 -1999, Hà Nội có khoảng 136 dự án khu đô thị, xây dựng nhà ở nhưng 100% đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Sau khi Hà Nội mở rộng, Hà Nội trở thành khổng lồ. Việc rà soát hơn 700 dự án, đồ án quy hoạch thực hiện rất chậm đến nay mới chỉ công bố giai đoạn 1. Tình trạng chậm tiến độ của các dự án bất động sản khiến nguồn cung cho thị trường trở nên khan hiếm.
Nhận định về thị trường bất động sản Hà Nội trong thời gian tới, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh, so với TP HCM, thị trường bất động sản Hà Nội còn nhiều tiềm năng phát triển.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh miền Bắc nhận định, miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội là một thị trường đầy tiềm năng để khai phá.
Theo ông Quyết, quyết định mở rộng địa giới hành chính Hà Nội lên trên 3000km2 của Chính phủ vào tháng 8/2008 đã đưa Hà Nội thành một trong những Thủ Đô có diện tích rộng nhất thế giới, và là thành phố rộng nhất Việt Nam. Điều này đem lại một quỹ đất rộng lớn cho thành phố Hà Nội để phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng và nhiều quỹ đất để phát triển các dự án bất động sản.
Duy Khánh