Theo ông Trương Anh Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang gặp khó nhưng khả năng đổ vỡ ít có thể xảy ra
Theo ông Trương Anh Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang gặp khó nhưng khả năng đổ vỡ ít có thể xảy ra
Bên lề triển lãm bất động sản mới diễn ra, ông Trương Anh Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã có những chia sẻ về thị trường bất động sản hiện nay.
- Thưa ông, chính sách thắt chặt tín dụng khiến thị trường gặp khó, có phải điều này khiến chủ đầu tư buộc phải giảm giá?
Thị trường trầm lắng do nhiều nguyên nhân khác nhau, do quy luật chung vì đã là thị trường thì phải có lúc lên, lúc xuống. Vừa qua, có một số yếu tố tác động tới thị trường như Nghị định, thắt chặt tín dụng, thị trường chứng khóan giảm sâu, kinh tế vĩ mô bất ổn,… khiến cho thị trường trầm lắng. Hiện tượng nay cũng phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
- Nếu không nới lỏng tín dụng cho bất động sản thì thị trường sẽ như thế nào?
Chúng ta cũng nên yên tâm, Chính phủ giống như một người mẹ đối với con, sẽ nhìn thấy những gì tốt cho đất nước, cho nên kinh tế vĩ mô. Hiện nay, bất động sản có thể chưa phải là ưu tiên số 1 trong tình hình nền kinh tế vĩ mô bất ổn. Lạm phát tăng cao thì Chính phủ sẽ phải ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên tới một lúc nào đó thị trường bất động sản sẽ được Chính phủ nghiên cứu chính sách phù hợp. Vì vậy, tôi tin thị trường bất động sản khó bị sụp đổ.
- Nếu 6 tháng cuối năm việc thắt chặt tín dụng tiếp tục, sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này có thể dẫn đến việc phá sản không?
Chúng ta không sợ thị trường sẽ đỗ vỡ giống như nguy cơ ở Mỹ. Thị trường bất động sản Mỹ sụp đổ là do việc cho vay vào lĩnh vực bất động sản quá nhiều và dưới chuẩn cho phép. Trong khi nhà đầu tư BĐS chỉ có 5-10% vốn tự có và họ phải vay từ NH đến 90%.
Còn tại Việt Nam ngươc lại, một doanh nghiệp bất động sản theo quy định của pháp luật, tối thiểu DN phải có 20% vốn, nhưng trên thực tế trung bình mỗi chủ đầu tư họ sẽ phải có 50% tài sản thì NH mới cho vay. Vì vậy trong tình hình này để doanh nghiệp bất động sản phát triển thì hơi khó nhưng nói thị trường đổ vỡ là cực khó, dù cho giả sử tình hình từ nay đến cuối năm vẫn khó khăn thì thị trường BĐS cũng không thể đổ vỡ được.
- Bộ Xây dựng vừa kiến nghị giải pháp giải cứu thị trường bất động sản, trong đó có việc linh hoạt điều chỉnh tín dụng.... Ý kiến của ông thế nào?
Hiện nay cũng mới chỉ dừng lại ở việc Bộ Xây dựng kiến nghị thôi, chưa có quyết định của Chính phủ, kể cả Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có những quyết sách mạnh. Tôi cũng rất đồng tình với kiến nghị của Bộ Xây dựng.
Hiệp hội bất động sản Việt Nam vừa rồi cũng có những kiến nghị nhằm đưa ra giải pháp cứu thị trường, đặc biệt là vấn đề hiện nay mọi người đang nhìn nhận lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất.
Việc thắt chặt tín dụng nói chung là đúng, nhưng nếu thắt chặt trong lĩnh vực bất động sản mà chưa có sự phân định rõ ràng thì vấn đề thắt chặt lại chưa phù hợp.
- Doanh nghiệp bất động sản phải làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Trước giai đoạn khó khăn như thế này tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp đều có cách đi riêng của mình. Tuy nhiên cũng có những công thức chung, đó là làm sao để tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Ví dụ để làm một dự án bất động sản thì giá thành của nó phụ thuộc rất nhiều vào thiết kế và xây dựng, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm trong khâu thiết kế để nhằm giảm giá thành đáng kể cho sản phẩm bất động sản mà vẫn làm gia tăng giá trị mà không bị giảm chất lượng.
Hai nữa la các doanh nghiệp nên xem lại khâu đầu tư, nếu thị trường tốt thì đầu tư tràn lan được nhưng khi khó khăn thì nên cắt bớt những khoản đầu tư không hiệu quả, tập trung đầu tư nhanh hơn để thu hồi vòng vốn nhanh va giảm áp lực về lãi suất ngân hàng.
Duy Khánh thực hiện