“Bức tranh” thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu xuất hiện nhiều gam màu sáng ...
“Bức tranh” thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu xuất hiện nhiều gam màu sáng khi tồn kho có xu hướng giảm, giao dịch có dấu hiệu khởi sắc trở lại nhất là ở phân khúc bình dân giá rẻ sau suốt một thời gian dài trầm lắng.
Thanh khoản được cải thiện
Bộ Xây dựng mới đây công bố Báo cáo tổng quan về tình hình thị trường BĐS trong 7 tháng đầu năm 2013. Theo cơ quan này, trong thời gian qua, tại các thành phố lớn, giá BĐS tiếp tục giảm, tính thanh khoản đã được cải thiện, giao dịch thành công chủ yếu ở phân khúc căn hộ có diện tích nhỏ.
Tại Hà Nội, một số dự án chủ đầu tư chào bán với mức giá hợp lý đã tạo sức hút đối với khách hàng. Ví dụ: Tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), chủ đầu tư mở bán 144 căn hộ có diện tích 47 – 69 m2, giá bán trung bình 13,8 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT) thì chỉ tính trong nửa đầu tháng 5/2013 đã bán được 118 căn, đạt hơn 80% lượng căn hộ. Tại các dự án có giá phải chăng, dưới 20 triệu đồng/m2, có tính thanh khoản cao như: VP5 Linh Đàm, CT11 Kim Văn Kim Lũ, dự án Đại Thanh, dự án Hòa Bình Green City (Từ Liêm), dự án Hà Đô Park View (Cầu Giấy), dự án chung cư CT3 Cổ Nhuế…
Đáng chú ý, hầu hết các chủ đầu tư đều đã tiến hành giảm giá bán, các dự án phía Tây Hà Nội giao dịch chủ yếu do người mua nhà hoặc tham gia góp vốn bán lại nhà hoặc chuyển nhượng hợp đồng với mức giá giảm từ 5 -10% so với cuối năm 2012.
Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, các dự án có giá bán từ 13 - 14 triệu đồng/m2, có lượng giao dịch tăng khá rõ so với cuối năm 2012. Bên cạnh đó, khách hàng đã bắt đầu tham khảo giá và xem xét việc mua nhà phân khúc căn hộ dưới 1 tỷ đồng. Hơn nữa, hàng loạt hợp đồng mua nhà đã được chủ đầu tư và khách hàng tiến hành bàn giao nhà, thanh lý hợp đồng cũng đã khiến cho thị trường sôi động hơn.
Một số dự án có giá khá thấp như chung cư TDH Trường Thọ tại Thủ Đức giá 14 triệu/m2, dự án Carillon Tân Bình giá từ 17,8 triệu/m2, dự án 4S Riverside Linh Đông giá 12,1 triệu/m2, dự án Gia Phú Hưng giá chỉ 10 triệu/m2…
Bộ Xây dựng cho biết, tính thanh khoản nhà ở trong quý II/2013 tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng nhẹ so với quý trước, lượng căn hộ bán được cũng đã tăng 1% so với quý I/2013, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và triển khai gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng, tình hình chung của thị trường đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, cơ cấu nguồn cung BĐS đã và đang bắt đầu có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, niềm tin vào thị trường đang dần hồi phục.
Giảm cung nhà ở thương mại
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại phiên họp giao ban Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách Nhà ở và thị trường BĐS ngày 9/8/2013. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào giải pháp giảm nguồn cung nhà ở thương mại ra thị trường.
Cụ thể, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép tạm dừng triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang đạt dưới 30% diện tích của dự án tại tất cả các địa phương trên cả nước theo danh mục mà các địa phương đã báo cáo. Đối với các dự án đã giải phóng xong mặt bằng dở dang đạt trên 30% và dưới diện tích 70% diện tích của dự án thì giao cho địa phương rà soát, đề xuất phương án xử lý để báo cáo…
Đồng thời, trước mắt, các ngân hàng tập trung ưu tiên giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người dân vay mua nhà ở xã hội được tiếp cận dễ dàng. Cùng với đó, hỗ trợ cho các chủ đầu tư vay vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội, dự án chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án, nhằm tạo ra sản phẩm nhà ở xã hội để người dân có nhiều lựa chọn.
“Vắng bóng” giới đầu cơ…
Trong báo cáo quý II/2013, Giám đốc bộ phận định giá và nghiên cứu của Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, hiện nay trên thị trường đã “sạch bóng” giới đầu cơ, các phân khúc chỉ còn lại những khách hàng có nhu cầu mua ở thực hoặc thuê để sử dụng.
Nguyên nhân chính “thanh lọc” giới đầu cơ trên thị trường giá bán giảm sâu và ngân hàng khóa van tín dụng, khiến giới đầu cơ nhà đất “hết đất diễn”, do không tìm được nguồn tiền để cân đối các khoản đầu tư và các khoản vay nợ nên giới đầu cơ buộc phải bán tháo nhà đất và tháo chạy khỏi thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc các nhà đầu cơ tháo chạy là một tin vui cho thị trường nhà đất. Vì giá BĐS sẽ ít bị thao túng và người có nhu cầu có thể mua được nhà với giá hợp lý.
Nhìn nhận ở góc độ quản lý thị trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, với việc giới đầu cơ, môi giới và chủ đầu tư nhỏ tháo lui đã giúp cho thị trường BĐS có cơ hội minh bạch về giá và chất lượng hơn.
Tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản tính đến tháng 6/2013 đã giảm 108.000 tỷ đồng, giảm 15,4% so với quý I/2013. Trong đó, hàng tồn kho căn hộ chung cư là 27.805 căn chiếm 38,19% lượng hàng tồn kho; nhà ở thấp tầng là 11.007 căn chiếm 25,23%; đất nền nhà ở là 9937.385 m2 chiếm 31,12%; đất nền thương mại khác chiếm 5,36%.
Theo Bộ Xây dựng
|
Theo tapchitaichinh