Ngay khi thị trường đón nhận chính sách nới lỏng lãi suất của ngân hàng Nhà nước, hàng loạt các dự án BĐS đã được tung ra nhằm vào nguồn cầu đang bị thắt chặt trong thời gian trước đó.
Ngay khi thị trường đón nhận chính sách nới lỏng lãi suất của ngân hàng Nhà nước, hàng loạt các dự án BĐS đã được tung ra nhằm vào nguồn cầu đang bị thắt chặt trong thời gian trước đó.
Nằm trong dự án căn hộ cao cấp, căn hộ D’.Palais de Louis do tập đoàn Tân Hoàng Minh và Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, khách hàng khi mua căn hộ dự án này sẽ được hưởng lãi suất vay từ ngân hàng BIDV với giá 7%/năm trong 6 tháng vay đầu tiên đối với khách mua căn hộ có diện tích từ 190m2 trở lên (áp dụng cho lần thanh toán đầu tiên) và 9%/năm trong 6 tháng vay đầu tiên đối với khách mua căn hộ có diện tích dưới 190m2 (áp dụng cho lần thanh toán đầu tiên). Thời hạn vay lên đến 15 năm, thời hạn trả gốc và lãi ưu đãi linh hoạt. Khách hàng chỉ bắt đầu trả nợ gốc sau 18 tháng tính từ khi khoản vay được giải ngân lần đầu tiên, tương đương với thời điểm khách hàng được nhận bàn giao căn hộ.
Ở các dự án khác, như dự án Dự án Nam Đô Complex: 609 Trương Định do GP Invest làm chủ đầu tư, hay dự án Golden Land: 275 Nguyễn Trãi, chủ Đầu Tư là Công ty Cổ Phần Tài Chính Hoàng Huy, Chung cư Dream town: Tây Mỗ do Coma 6 làm Chủ Đầu Tư…khách hàng cũng được áp dụng hàng loạt chính sách khuyến mại hấp dẫn như tặng 100% lãi suất, hay được tặng xe máy Vespa, hoặc trừ vào tài khoản trị giá 65 triệu đồng.
Nhận định về tình hình mua bán trên thị trường, ông Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: Hiện nay thị trường luôn vận động theo quy luật của nó, các chủ đầu tư trực tiếp và gián tiếp phải có nhiều cách tiếp thị và hướng lợi ích về người tiêu dùng. Khi giao dịch xuống thấp, các chủ đầu tư sẽ phải áp dụng các hình thức khuyến mại để bán được hàng. Điều này có vai trò thúc đẩy thị trường và người tiêu dùng cũng được lợi trong việc này.
Ngoài ra, sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng, tiến độ…buộc chủ đầu tư phải liên tiếp nâng cao hoạt động của mình, giảm lợi nhuận để hướng về khách hàng. Tuy nhiên, những hình thức khuyến mại trên cũng không làm tan băng được thị trường.
Nhìn một cách tổng thể, khi cả nền kinh tế suy giảm thì lượng tiền tích lũy được của người dân chắc chắn sẽ bị giảm sút, trong khi giá cả chi tiêu thiết yếu hàng ngày lại tăng, khiến nguồn tiền tích lũy được bị thu hẹp lại. Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài, khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn hạn. Người dân bắt đầu thận trọng trong chi tiêu nói chung, đặc biệt là khi quyết định mua một khối tài sản có giá trị lớn như bất động sản lại càng thận trọng hơn. Người mua hiện không còn tin vào những lời quảng cáo như trước đây, họ đã quá hiểu thị trường nên rất thận trọng.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quý 1-2012, cả nước có gần 500 khu đô thị và dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa thể triển khai. Như vậy, thị trường vẫn khó “tiêu hoá” nổi nguồn cung căn hộ này, cộng với số lượng căn hộ đã ế ẩm do chênh lệch nguồn cung và nguồn cầu khiến nhiều người cảnh báo thị trường vẫn tồn đọng lớn số lượng căn hộ. Trong khi đó, số lượng tiền trong dân còn rất lớn, ước khoảng từ 25-40 tỷ đô la Mỹ nhưng giao dịch trong các sàn vẫn không đột biến về số lượng.
Nhìn lại thời kỳ hoàng kim của BĐS, khi dự án mới hoàn thiện phần móng, DN đã bán hàng trên giấy cho khách hàng. Bây giờ thì chủ đẩu tư đã “ khua chiêng gõ trống” bằng mọi cách mà “ mèo lại hoàn mèo”, dù trước đó đã có chính sách về nới lỏng tín dụng, chính sách hỗ trợ vốn cho người mua nhà từ phía chủ đầu tư và những thông tin về gói cước dành cho BĐS…
Tuy nhiên tâm lý chờ đợi giảm giá vẫn diễn ra phổ biến. Bởi theo tính toán của chuyên gia, thu nhập bình quân của người dân hiện nay là 3 triệu/tháng, với thu nhập ấy theo mức giá nhà thuộc phân khúc trung bình thì cũng phải đến 50-60 năm người dân mới có thể mua được một căn hộ thuộc phân khúc trung bình cho mình. Vì vậy, muốn kích cầu thị trường thì giá nhà đất ngày càng sát hơn với nhu cầu thực của người dân.
(Theo Tiền Phong)