Hai tuần đầu tháng 5, thị trường chung cư TP HCM tiếp tục rơi vào cảnh ảm đạm mặc dù nhiều căn hộ giá giảm đến vài trăm triệu đồng.
Hai tuần đầu tháng 5, thị trường chung cư TP HCM tiếp tục rơi vào cảnh ảm đạm mặc dù nhiều căn hộ giá giảm đến vài trăm triệu đồng.
Đang đàm phán bán căn hộ có thể ở ngay tại quận 7, gần cầu Phú Mỹ với giá dưới vốn 300 triệu đồng, anh Chuyền chia sẻ: "Tôi cần tiền gấp nên buộc lòng phải buông. Tiếc rằng thời điểm này chung cư rớt giá quá mạnh".
Lúc đầu anh rao bán 1,5 tỷ đồng nhưng kẻ đến người đi không ai quay lại, anh đành xuống nước chào giá 1,4 tỷ đồng. Gia chủ buồn bã cho hay: "Khách hàng xem nhà rất kỹ, đắn đo cân nhắc đủ thứ và vẫn xin giảm thêm ít đồng mới chồng tiền. Chả bù với ngày xưa tôi phải giành giật mua với giá cao".
Trường hợp của anh Chuyền không phải là cá biệt. Chị Phấn mất nửa tháng ròng mới bán xong căn nhà chung cư gần khu công nghiệp Tân Bình tiết lộ: "Năm 2009 căn hộ 80 m2 của tôi có giá 900 triệu đồng nhưng nay chỉ bán được hơn 800 triệu đồng mà khách còn chê đắt".
Thống kê của Công ty ACBR, trong tháng 4, doanh nghiệp bán 2 dự án căn hộ Lê Thành Twin Tower và An Bình được 25 sản phẩm. Dù hai dự án đã áp dụng nhiều gói kích cầu nhưng kết quả không khả quan. Mua căn hộ Lê Thành, khách đóng 50% giá trị hợp đồng được nhận nhà, số tiền còn lại chủ đầu tư cho vay trả góp trong 5 năm với lãi suất cố định 1% mỗi tháng. Trong khi đó dự án An Bình được chào mức chiết khấu 6,5%, trả chậm một năm không tính lãi và nhận nhà khi đóng 50% giá trị căn hộ.
Sau nửa tháng, tỷ lệ giao dịch thành công ở phân khúc căn hộ giá trung bình chưa đếm đủ một bàn tay và chỉ bằng 25% tháng trước.
Sức mua căn hộ giá trung bình, diện tích nhỏ tại sàn bất động sản Hoàng Anh Sài Gòn cũng sụt giảm mạnh dù nhiều sản phẩm có tỷ lệ chiết khấu giá sỉ 10-12%. Tỷ lệ giao dịch thành công tháng 3 của sàn này là 4-5 sản phẩm một ngày đã tụt xuống còn một sản phẩm một ngày từ cuối tháng 4 đầu tháng 5.
Lý giải tình trạng này, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn Đoàn Chí Thanh cho biết: "Có thể thông tin Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ tung căn hộ giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí đã tác động đến tâm lý khách hàng. Dù đi xem nhà nhưng mọi người vẫn chờ đợi hơn là quyết định mua".
Theo ông Thanh, giao dịch giảm mạnh và khách hàng cũng trở nên khó tính hơn. Giá chênh lệch số tầng 10-20 triệu đồng một căn hộ cũng bị người mua chê đắt. Nhân viên môi giới nhà đất phải vất vả chạy hết dự án này đến dự án khác để giới thiệu sản phẩm nhưng năng suất làm việc không cao. "Thậm chí khách hàng chọn nhà từ tầng thấp lên tầng cao để mua được giá rẻ trong khi thời địa ốc sốt hàng, căn hộ ở tầng càng cao càng dễ bán", ông nói.
Tổng giám đốc Công ty địa ốc ACBR, Phạm Văn Hải nhận xét: "Người mua nhà vẫn kỳ vọng và tin rằng giá bất động sản còn có thể giảm thêm. Từ cuối năm ngoái đến nay có khá nhiều dự án đã giảm giá nên họ càng tiếp tục chờ đợi".
Tuy nhiên, theo ông Hải, các dự án căn hộ giá trung bình 12-15 triệu đồng mỗi m2 đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Thông thường mức chiết khấu cao chỉ áp dụng cho người mua sỉ (trả tiền một lần, mua số lượng lớn) hoặc căn hộ diện tích lớn, hàng tồn.
Chuyên gia này cho rằng, tình hình giao dịch ảm đạm của phân khúc căn hộ giá "mềm" sẽ khó cải thiện nếu kinh tế phục hồi chậm chạp. Bởi lẽ dù có nhu cầu về nhà ở nhưng khủng hoảng, khó khăn kéo dài đã khiến tâm lý phòng thủ đè nặng thị trường. "Căn hộ đang bị nhiễu loạn sau những vụ bán tháo và công bố giảm giá. Vì thế cần phải có thời gian để thị trường tự tiêu hóa các thông tin này. Chỉ khi nào hàng rào phòng thủ của khách hàng được dỡ bỏ thì giao dịch mới trở lại", ông nói.
(Theo VnExpress)