Thị trường căn hộ đang đứng trước nguy cơ tăng giá do giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Thị trường căn hộ đang đứng trước nguy cơ tăng giá do giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Sức ép tăng giá vật liệu xây dựng
Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, giá thép xây dựng tháng 2/2010 đã tăng hơn 10% so với tháng 1/2010, lên mức 13,2 triệu đồng/tấn. Cụ thể, thép cuộn phi 6 là 11,81 triệu đồng/tấn (chưa VAT); thép thanh trơn phi 10 là 12,34 triệu đồng/tấn; các loại thép khác 12,5 - 12,7 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, là do giá nguyên liệu đầu vào (phôi thép, điện, xăng) tăng và tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng. Mức giá này được dự báo có thể tăng tiếp khi các công trình xây dựng đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa năm 2010.
Ngoài thép, giá các loại vật liệu xây dựng như gạch, ngói, xi măng… cũng đang có dấu hiệu tăng giá. Xi măng là mặt hàng có nguy cơ tăng giá nhiều nhất. Đây chính là nguyên nhân khiến một số chủ đầu tư tăng giá bán căn hộ. Đơn cử, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Sông Đà 6 (chủ đầu tư Dự án chung cư CT2 tại Khu đô thị Văn Khê - Hà Đông, Hà Nội) vừa tăng giá bán căn hộ lên tới 12%. Khách mua căn hộ tại một số dự án tại Khu đô thị Mỗ Lao (Văn Khê, Hà Đông) cũng nhận được thông báo tăng giá bán căn hộ từ phía chủ đầu tư. Tuy nhiên, các thông báo tăng giá bán này đang gặp phải phản ứng quyết liệt từ phía khách hàng.
Tăng giá căn hộ: không dễ
Khác với cảnh “mua tranh, bán cướp” tại Dự án Chung cư Lê Văn Lương Residentials (trong khuôn khổ Dự án Khu đô thị Dương Nội) của Tập đoàn Nam Cường hồi tháng 11/2009, thị trường lại khá trầm lắng trước việc mở bán 116 căn hộ tại Dự án Chung cư cao cấp CT3 - Hoàng Quốc Việt Residentials (Khu đô thị Cổ Nhuế, Từ Liêm) của tập đoàn này. Khách hàng chủ yếu đến tìm hiểu Dự án, chứ lượng người đặt mua rất ít.
Một dự án khác cũng đang chuẩn bị kế hoạch bán căn hộ đợt 4 là Dự án Keangnam Landmark Tower trên trường Phạm Hùng (Hà Nội) của Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc). Khác với những đợt bán căn hộ trước đây, để thu hút sự quan tâm của khách hàng tới Dự án, Công ty TNHH Savills Việt Nam (đơn vị tiếp thị Dự án) phải chuẩn bị kế hoạch tiếp thị khá bài bản.
Điều này cho thấy, kinh doanh căn hộ chung cư đang trở nên khó khăn hơn, khách hàng ngày càng thận trọng hơn, đặc biệt là sau vụ cháy Chung cư JSC 34 cao 18 tầng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 34 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) mới đây. Đó là chưa kể, sức ép từ hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị mới đã được phê duyệt quy hoạch, đã triển khai xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2010, cũng như các dự án nhà ở giá rẻ của Chính phủ… cũng sẽ khiến việc kinh doanh căn hộ chung cư không còn thuận lợi như trước.
Theo ghi nhận tại một số dự án khu đô thị mới như: Trung Hòa Nhân Chính, Nam Trung Yên, Văn Quán…, giá căn hộ chung cư đều chững lại và các giao dịch không còn sôi động như trước. Sau vụ cháy, tâm lý người mua nhà để ở đã có những thay đổi rất lớn. Nhiều người đã không còn mặn mà đầu tư tiền vào chung cư, thay vào đó, họ tìm những lô đất phù hợp với túi tiền để làm nơi ở lâu dài.
Đến thời “liệu cơm gắp mắm”
Theo ông Nathan Cumberlidge, Trưởng Bộ phận nghiên cứu và định giá (Colliers International Hà Nội), thị trường bất động sản ở tất cả các phân khúc đang hứng chịu sự thoái trào sau quý IV/2009. Dự báo về diễn biến thị trường bất động sản năm 2010, ông Nathan cho rằng, phân khúc nhà ở sẽ khá nhạy cảm với các điều kiện thị trường và nguồn cầu không ổn định. Một trong những động lực cơ bản của thị trường bất động sản là nguồn tài chính từ các ngân hàng, nhưng với mức lãi suất 17,5-18%/năm sẽ là vấn đề lớn, buộc khách hàng cân nhắc khi quyết định vay tiền ngân hàng đầu tư cho ngôi nhà của mình!
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TP.HCM) cũng thừa nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang trầm lắng như hiện nay, việc tăng giá bán sản phẩm các căn hộ chung cư sẽ khó được chấp nhận. Điều này buộc doanh nghiệp phải tìm những biện pháp khác để bù đắp việc nguyên liệu thép và vật liệu xây dựng tăng giá. Doanh nghiệp phải tự tìm ra đáp áp tối ưu cho bài toán giá đầu vào tăng mà không tăng giá đầu ra, như quản lý chặt các loại nguyên vật liệu, cách thức tổ chức thi công hiệu quả và đúng tiến độ, mời thầu công khai minh bạch…
Ngoài ra, ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư cũng phải biết cách kiểm soát chi phí đất đai, chi phí quản lý; tinh giản bộ máy làm việc...
(Theo Đầu tư)