Đó là nhận định của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường về phân khúc thị trường chung cư hiện nay.
Đó là nhận định của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường về phân khúc thị trường chung cư hiện nay
Thời gian gần đây, có thể thấy không chỉ giảm giá mà trên thị trường phân khúc căn hộ chung cư từ trung đến cao cấp đang được chào bán ồ ạt.
Tại phân khúc trung bình, dự án chung cư tại quận Hà Đông có mặt bằng chung 19-24 triệu đồng/m2, trong đó CT1 Ngô Thị Nhậm 22 triệu đồng/m2, chung cư Nàng Hương 25-26 triệu đồng/m2, chung cư Bắc Hà 26-29 triệu đồng/m2, chung cư Văn Phú - Victoria giá 21-22 triệu đồng/m2, chung cư khu đô thị mới Xa La giá 22-24 triệu đồng/m2,…
Tại phân khúc chung cư cao cấp, có thể kể đến các dự án như: The Manor giá 2.600 USD/m2, chung cư Keagnam giá gốc 3.000 USD/m2 nhưng hiện rất nhiều suất ngoại giao tại dự án này chào bán với mức giá 2.200 – 2.400 USD/m2, chung cư 88 Láng Hạ hiện 2.400 -2.600 USD/m2, chung cư Usilk city (Lê Văn Lương) giá 1.080 – 1.200 USD/m2,…
Lý giải về việc hàng loạt các dự án chung cư bán tháo ồ ạt, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, quan niệm của chúng ta xưa nay về chung cư chưa đúng, dẫn đến việc khi chung cư hiện đúng “vai” của mình thì các nhà đầu tư sẽ rơi vào thế bế tắc.
Về bản chất, chung cư là phục vụ cho tầng lớp những người có thu nhập trung bình và thấp.
Chung cư là không gian chung, bất cứ ai làm gì, dù là hành động nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng tới các hộ dân sống xung quanh. Những người có tiền họ sẽ sống ở các biệt thự hoặc các khu nhà liền kề.
Cuộc sống ở nhà chung cư không thể coi là cao cấp được vì tất cả mọi thứ từ hành lang, thang máy, sân chơi, nhà gửi xe, … đều là của chung. Vì vậy, dù có tiền cũng không hộ gia đình nào được phép cải tạo và chỉnh sửa nếu không được sự cho phép của chủ tòa nhà và các hộ gia đình sống cùng chung cư.
Chính vì thế, khái niệm chung cư cao cấp chỉ có ở Việt Nam, và chủ đầu tư đưa ra khái niệm này nhằm đẩy giá căn hộ lên cao. Một số người có tiền sẵn sàng mua một vài căn để đầu cơ, sau đó mua đi bán lại qua nhiều nấc trung gian. Từ đó, đẩy giá chung cư đi xa so với giá trị thực và làm chung cư đi theo hướng khác so với bản chất ban đầu.
Tiêu chuẩn của chung cư, các nước đều đã có luật chung cư. Ở nước ta thì không có tiêu chuẩn cụ thể. Tại Hà Nội hiện nay có đến hơn 50% là chung cư gắn mác cao cấp như dự án Madarin Hòa Phát, dự án chung cư FLC Landmark, chung cư Starcity Lê Văn Lương, chung cư Lancater, Thăng Long Number one…Đó là chưa kể đến một loạt các dự án cao cấp đang đắp chiếu vì chủ đầu tư không có tiền triển khai.
Nhưng vì gắn mác cao cấp, chính vì vậy để khác các chung cư khác, chủ đầu tư đã đem một số thứ xa xỉ lắp vào nhà chung cư, khiến cho chi phí xây dựng tăng cao, dẫn đến giá bán những căn hộ này cũng đẩy lên cao hơn so với giá thật. Trước đây, hầu hết các giao dịch mua chung cư cao cấp đều chủ yếu là giữa giới đầu cơ với nhau.
Và chính vì vậy, khi thị trường trầm lắng như hiện nay, nhà chung cư hiện nguyên “vai” của mình là sản phẩm dành cho đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, thì các căn hộ chung cư này lại rơi vào thế ách tắc.
Giới đầu cơ buộc phải bán sản phẩm để có tiền trả nợ ngân hàng cũng như tránh phải đóng tiền tiếp theo tiến độ, nhưng nếu giảm giá đến mức đối tượng có thu nhập trung bình và thấp có thể mua được thì sẽ lỗ vì nhà chung cư này được xây theo một số tiêu chuẩn của chung cư cao cấp.
“Tôi cho rằng, việc vỡ trận chung cư, nhất là các chung cư cao cấp là có thật. Thời gian tới sẽ có hàng loạt các chung cư cao cấp buộc phải giảm giá bán”, GS. Đặng Hùng Võ nhận định.
(Theo VTC News)