Theo thông lệ, những tháng cuối năm là thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) thường nhộn nhịp, song năm nay, điều này đã không diễn ra.
Theo thông lệ, những tháng cuối năm là thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) thường nhộn nhịp, song năm nay, điều này đã không diễn ra.
“Khó thở” vì sức ép thiếu tiền
Theo ghi nhận của baodautu.vn, gần đây, lượng giao dịch BĐS tại nhiều sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM khá nhỏ bé, thậm chí có sàn giao dịch BĐS không thực hiện được một giao dịch nào trong một tháng.
Ông Đoàn Chí Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Cổng Địa Ốc cho biết, sở dĩ thị trường năm nay có xu hướng đi ngược lại với thông lệ là vì nguồn cung căn hộ được tung ra khá nhiều, dẫn đến cơ hội lựa chọn của khách hàng cũng tăng lên và hình thành trong họ tâm lý chờ đợi giá xuống sâu hơn nữa, thì mới mua vào.
Theo ông Thanh, một nguyên nhân quan trọng khác là nhiều người đang đứng trước sức ép thiếu tiền.
“Thông thường vào những năm trước, cuối năm là thời điểm nhiều người tích góp được vốn liếng tìm mua nhà để ở, nên khiến thị trường sôi động. Năm nay, nhu cầu này vẫn có, nhưng có sự khác biệt đáng kể là thiếu tiền, vì đến thời điểm này, cánh cửa tín dụng của các ngân hàng đã khép lại, ngay cả đối với các trường hợp mua nhà trả góp để ở”, ông Thanh nhận định và cho rằng, những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, nhưng nếu không được ngân hàng tiếp sức, thì khó lòng thực hiện được.
Xét trên góc độ đầu tư, thông thường, cuối năm cũng là thời điểm nhiều nhà đầu tư “rót” tiền vào BĐS để đón đầu cơ hội mới của năm sau. Tuy nhiên, năm nay điều này cũng không diễn ra. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh dịa ốc Hưng Thịnh, những nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp đang gặp không ít khó khăn do “ôm” nhiều sản phẩm, song chưa xả được hàng.
Theo các chuyên gia BĐS, năm 2009, thị trường BĐS đối mặt với nhiều sức ép, như nguồn vốn từ ngân hàng dành cho kênh BĐS không nhiều, chính sách thuế áp dụng với kinh doanh BĐS... đã làm cho thị trường BĐS chững lại, dẫn đến tính thanh khoản của thị trường quá kém. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng vẫn được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn vì tính thanh khoản cao hơn.
Năm 2010 nhiều hứa hẹn
Theo ông Đoàn Chí Thanh, những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay chỉ là nhất thời, sang năm 2010 thị trường này sẽ khởi sắc hơn. Ông Thanh lý giải, năm 2010, cánh cửa tín dụng ngân hàng sẽ được mở ra với kênh BĐS. Trong năm 2010, có nhiều dự án ở các quận, huyện vùng ven TP.HCM được chào bán với mức giá từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/m2, phân khúc này sẽ làm cho thị trường sôi động hơn.
Tương tự, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Xanh cũng cho rằng, khó khăn của thị trường BĐS trong năm 2009 chỉ là tạm thời. “Trong thời gian tới, các căn hộ có giá trung bình và khá ở các quận vùng ven như Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12... sẽ có nhiều khách hàng. Trong năm 2010 và các năm tiếp theo, dù nguồn cung sản phẩm nhà ở giá trung bình tại Thành phố sẽ tăng, nhưng vẫn khó đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở từ thị trường”, ông Thìn nhận định và cho biết, thời gian qua, mặc dù thị trường còn nhiều kho khăn, nhưng Công ty Đất Xanh vẫn mạnh dạn khởi công một số dự án BĐS.
Theo một phân tích mới đây nhất của Công ty BĐS Viet Rees, thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển và sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, có một thực tế là mức cầu về BĐS không cao cho tất cả mọi phân khúc thị trường. Dự báo, trong năm 2010, TP.HCM sẽ cung cấp thêm cho thị trường khoảng 8.500 căn hộ và thêm từ 10.000 đến 15.000 căn hộ vào năm 2011 và con số này có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ có giá trung bình thấp chỉ chiếm 37% nguồn cung toàn thị trường. Do vậy, theo Viet Rees, trong thời gian tới, giá thị trường căn hộ cao cấp sẽ không có nhiều thay đổi. Còn ở phân khúc căn hộ có giá trung bình thấp, giá sẽ không tăng mạnh, nhưng tính thanh khoản của phân khúc này sẽ tăng hơn.
(Theo Đầu Tư)