Đầu tháng 11, các giao dịch trên thị trường địa ốc Hà Nội đang chững lại, phần nhiều vì đợt mưa lớn cuối tuần trước. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất cơ bản, thị trường đang chờ đợi những tín hiệu vui.
Đầu tháng 11, các giao dịch trên thị trường địa ốc Hà Nội đang chững lại, phần nhiều vì đợt mưa lớn cuối tuần trước. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất cơ bản, thị trường đang chờ đợi những tín hiệu vui.
Nói về ảnh hưởng đợt mưa lớn ở Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Thủy, Giám đốc Trung tâm Bất động sản Mỹ Đình 2, cho biết, các dự án nằm trong những khu đất trũng thuộc các vùng đô thị mới vốn luôn giành được nhiều sự quan tâm trước đây như Phạm Hùng, Cổ Nhuế, Trần Duy Hưng, Mỹ Đình… đang có lượng khách hàng quan tâm giảm đi rõ rệt. Câu hỏi đầu tiên của họ những ngày gần đây thường về cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước, mật độ xây dựng...
Theo ông Thủy, trận mưa lớn cuối tuần trước, đã để lại tâm lý xao động cho nhiều khách hàng. Một vài hợp đồng ký thỏa thuận trước đã bị hoãn hoặc hủy bỏ do tâm lý khách hàng e ngại những sự cố đối với nhà chung cư trong mùa mưa bão. Những vụ "đổ bể" này, theo theo nhiều nhà môi giới thì khách hàng không phải chịu khoản phí bồi thường vì thiên tai nằm trong điều khoản bất khả kháng.
Tuy nhiên, theo ông Châu Lê Yên, Trưởng nhóm tư vấn sàn giao dịch bất động sản Thăng Long, vẫn có những giao dịch thành công đợt này. Đa phần khách hàng vẫn quan tâm đến các dự án nhà ở ngay với giá dưới 20 triệu mỗi m2, nằm gần trung tâm thành phố và giao thông không quá phức tạp. Theo ông Yên, giao dịch thành công trên thị trường nhà đất tại thời điểm này cũng gồm cả những dự án ở phía đông Hà Nội. "Tuy nhiên, thị trường này mới chỉ đáp ứng được những người bức xúc về nhà ở và thu nhập ở mức thấp", ông Yên cho biết.
Khó khăn vì vướng phải trận mưa kỷ lục ở Hà Nội, nhưng thị trường bất động sản đang đón nhận một số tin vui. Việc ngân hàng giảm lãi suất cơ bản từ 13% xuống 12% và trần lãi suất còn 18% là những tín hiệu đáng mừng để cải thiện tình hình thị trường trước mắt. Theo nhiều nhà phân tích thì điều này thể hiện sự hợp tác của Chính phủ trong việc “cứu” thị trường bất động sản. Bởi trong khi các nhà đầu tư lo ngại thị trường bất động sản suy yếu, khả năng sinh lợi nhuận giảm, dè chừng trong việc trút hầu bao góp vốn thì động thái này của ngân hàng đã khiến nhiều nhà đầu tư suy nghĩ lại.
Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát, cho rằng việc ngân hàng hạ lãi suất sẽ tạo ra một hiệu ứng dây chuyền trong phản ứng của các nhà đầu tư bởi họ sẽ bớt e dè trong việc vay vốn. Tuy nhiên ông Hà cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua như đang ngủ đông. Do đó cần có thời gian để các nhà đầu tư "choàng tỉnh" và thích ứng. "Với lãi suất cơ bản là 12%, trong khi các dự án khả thi kéo dài trong vòng khoảng 7 năm, phần nào đó đã đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư", ông Hà chia sẻ.
Tuy nhiên ông Hà cho rằng trần lãi suất là 18% vẫn còn khá cao. Lãi suất cao trong khi thị trường bất động sản còn đang chững dẫn đến việc thu vào, bán ra không tương thích. Trong khi vẫn phải chi trả một khoản lớn cho ngân hàng nhưng lại bế tắc trong nguồn vốn vì giao dịch trống khiến nhà đâu tư không thu được lãi mà chỉ “chạm” được đến điểm hòa vốn. Chính điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý tiếp cận của nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư tiềm năng.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cần “bơm” vốn cho thị trường bất động sản thông qua việc thành lập các quỹ đầu tư bất động sản, trong đó nổi bật là mô hình quỹ tín thác bất động sản (REIT). Trong khi ngân hàng dè dặt trong việc cho vay bất động sản do thiếu tính thanh khoản yếu thì quỹ REIT được coi như một giải pháp khả thi do tính thanh khoản cao. Ông Hà cho rằng, khi thành lập được quỹ này, doanh nghiệp bất động sản và quỹ REIT sẽ cùng chia sẻ khó khăn về vốn để cứu thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó phòng kinh doanh sàn giao dịch Tư vấn nhà đất số 1, chia sẻ, trước mắt, các doanh nghiệp bất động sản hy vọng thói quen mua nhà cuối năm kết hợp với việc hạ lãi suất cơ bản sẽ bắt mạch chữa đúng bệnh cho thị trường nhà đất. Bởi nhiều người lo ngại rằng, đến thời kỳ đáo hạn bất động sản mà thị trường vẫn không ấm dần lên là một nguy cơ lớn đe dọa thị trường bất động sản. Lượng tiền lưu thông không có, các doanh nghiệp không trả nợ được sẽ phải bán thống bán tháo dẫn đến tình trạng hàng hóa bất động sản bị xuống giá nghiêm trọng.
Hoàng Lan