Sau tết những người mua nhà ở vẫn đang chờ giá giảm tiếp, còn nhà đầu tư thì chết đứng vì thị trường không thanh khoản, doanh nghiệp (DN) địa ốc hoạt động cầm chừng.
Sau tết những người mua nhà ở vẫn đang chờ giá giảm tiếp, còn nhà đầu tư thì chết đứng vì thị trường không thanh khoản, doanh nghiệp (DN) địa ốc hoạt động cầm chừng.
Gần như tê liệt
Khác với mọi năm, năm nay Tập đoàn Bất động sản (BĐS) Đất Xanh chủ động gặp gỡ phóng viên đầu năm và đưa ra nhận định: Thị trường đang quá khó khăn. Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, cho biết nghiên cứu của tập đoàn cho thấy phân khúc căn hộ cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng hiện không có giao dịch. Thị trường căn hộ chỉ giao dịch cầm chừng với các căn hộ giá từ 14 triệu đồng/m2 trở lại. Riêng đất nền chỉ có các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai là có khách mua, dĩ nhiên kèm điều kiện giá rẻ và hợp lý.
Hiện tại dù đã qua rằm tháng Giêng nhưng không khí làm việc tại nhiều sàn giao dịch BĐS của TP.HCM vẫn trầm lắng, nhiều nơi còn chưa khởi động hoạt động kinh doanh. Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Hoàng Anh Sài Gòn, than: Thị trường quá ảm đạm, từ đầu năm đến nay công ty mới có một giao dịch thực hiện. “Ngay như đất nền giá rẻ ở Bình Dương trước đây giá trên 2 triệu đồng/m2 thì nay có nơi chỉ bán 1,7-1,8 triệu đồng/m2. Giá giảm kiểu này những người trước đó mua dự định bán kiếm lời coi như đã lỗ” - ông Thanh nói.
Còn theo ông Trần Văn Thiện, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Song Phát, ngay từ đầu năm đơn vị xác định chỉ hoạt động môi giới cầm chừng để chờ tín hiệu khởi sắc của thị trường. Theo ông, với nguồn cung vốn vay ngân hàng hạn chế như hiện nay thì phải đến giữa năm thị trường mới bộc lộ rõ các cơ hội cũng như khó khăn. “Chúng tôi đang chuyển hướng sang một số lĩnh vực mới như nghiên cứu, tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư ngoại, chủ yếu là châu Á và Nhật Bản”.
Các nhóm đầu tư (mua đi bán lại) đang tìm mọi cách bán tháo sản phẩm. Trên một tờ báo rao vặt, có người rao bán căn hộ ở Bình Chánh nhiều lần không được đã chuyển sang rao đổi căn hộ lấy xe ô tô. Thậm chí, nhà đầu tư do ôm hàng nhiều đã chọn hình thức kích cầu bằng cách giảm giá và cho người mua nhận nhà ở trước còn tiền thì chia ra thanh toán thành nhiều đợt.
Giá còn giảm?
Câu hỏi: “Giá nhà đất còn giảm nữa không?” lại tiếp tục được đặt ra trong năm 2012. Câu trả lời chưa rõ ràng nhưng hiện tại, nhiều sàn BĐS ở TP.HCM đang râm ran bàn tán việc một tập đoàn BĐS lớn đang chuẩn bị bán hạ giá cả căn hộ và đất nền. Theo đó, căn hộ ở quận Tân Phú của tập đoàn này có giá bán từ 11 đến 13 triệu đồng/m2, đất nền ở quận 9 có giá khoảng 11 triệu đồng/m2. Nếu việc này là thật thì thị trường sẽ chứng kiến thêm một đợt giảm giá mạnh nữa kể từ khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bán hạ giá căn hộ An Tiến, Nhà Bè năm 2011.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh Dịch vụ BĐS Đất Xanh, cho biết: Ở lĩnh vực BĐS, giá chỉ là một trong các mối quan tâm của khách hàng bên cạnh yếu tố pháp lý, vị trí, cơ hội tăng giá trong tương lai… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là cả thị trường đang mất niềm tin. Các chủ thể tham gia thị trường đều có vấn đề. Người mua ở thì không được ngân hàng cho vay, nhà đầu tư thì ôm hàng mà bán ra không được, DN thì hoạt động cầm chừng…
Ông Phùng Văn Năng, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Nam Việt, cho biết giá nhà đất có giảm nữa hay không là tùy vào sức chịu đựng của từng DN. Trường hợp căn hộ Trung Sơn (Bình Chánh) vừa rồi tuy bán 16,5 triệu đồng/m2 (giá cũ trên 20 triệu đồng/m2) nhưng thực chất không phải là giảm giá vì khách hàng phải trả ngay 100% tiền mua. Có thể nói, thị trường sáu tháng đầu năm 2012 sẽ còn nhiều khó khăn và sẽ tiếp tục là một năm thử thách nữa đối với các DN BĐS.
(Theo NLD)