Với thực trạng hiện nay, ngành thép cần bắt đúng những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng và cần có được những giải pháp hiệu quả.
Với thực trạng hiện nay, ngành thép cần bắt đúng những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng và cần có được những giải pháp hiệu quả.
Nguyên nhân thực sự là do đâu?
Mỗi khi thị trường thép có dấu hiệu dư thừa về sản lượng thì một vấn đề luôn được quan tâm là liệu có sức ép nào từ thị trường thép ngoại, nhất là thép Trung Quốc và các nước ASEAN lấn át sản phẩm thép nội? Tuy nhiên các số liệu lại cho thấy đó không phải nguyên nhân quan trọng.
Theo số liệu thống kê của Hải Quan, tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam tính tới ngày 15/5/2011 đạt hơn 4 triệu tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 3 tỷ USD trong đó:
Vậy phải chăng, thị trường thép có bước chững lại là do nhu cầu tiêu thụ trong nước gia tăng chậm trong giai đoạn này? Đây chắc chắn là một trong những tác nhân quan trọng đối với thị trường thép Việt. Những biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát và điều chỉnh chính sách tài khóa của Nhà nước theo Nghị quyết 11 của Chính phủ tiếp tục có tác dụng tới thị trường hàng hóa trong nước. Việc cắt giảm đầu tư công, rà soát lại các dự án đầu tư ở Trung Ương và địa phương được tiến hành triệt để hơn. Mặt khác, việc kiểm soát tín dụng, đưa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay lên cao làm cho nhiều dự án xây dựng nhà ở, chung cư, văn phòng,..bị chững lại; đầu tư bất động sản có xu hướng giảm vì các nhà đầu tư thấy không có hiệu quả và ngân hàng cũng không khuyến khích cho vay đối với các dự án phi sản xuất vì rủi ro cao… Tình hình đó đã ảnh hưởng đến tiêu thụ thép mặc dù đang trong mùa xây dựng.
Ngoài những nguyên nhân trên, một nguyên nhân có gốc gác sâu xa khác đang được nhận diện khá rõ đó là tác động tiêu cực của việc vỡ quy hoạch tổng thể. Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam thì nguyên nhân không đảm bảo được quy hoạch cần được xem như một nguyên nhân quan trọng bậc nhất dẫn tới cuộc khủng hoảng thừa hiện nay. Tình trạng dư thừa công suất không phải đến nay mới được đề cập đến mà đã được cảnh báo ngay từ khi Quy hoạch phát triển ngành thép được ban hành vào năm 2007.
Theo số liệu từ VSA, hiện nay cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100 nghìn tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của Tổng công ty thép Việt Nam quản lý). Trong đó có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Đáng lưu ý trong số các dự án trên chỉ 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương theo quy định (những dự án trên 1.500 tỷ đồng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn những dự án dưới 1.500 tỷ đồng phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương).
Cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt
Để ngăn chặn đà khủng hoảng hiện nay, giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiện nay rõ ràng cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, quyết liệt cả trên phương diện vĩ mô và vi mô.
Về phía các doanh nghiệp thép. Theo ông Phạm Chí Cường, các doanh nghiệp rất cần đầu tư hơn nữa cho chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trong và ngoài nước. Đồng thời cần đầu tư lớn, hình thành các liên hợp công nghiệp, nâng cao hiệu suất sản xuất. Đây cũng là cách thức tối ưu để phát triển một cách bền vững bất chấp mọi cuộc khủng hoảng thừa.
Hướng đi hiệu quả nhất hiện nay là phải tăng cường xuất khẩu thành phẩm (không phải phôi hay quặng thô), việc làm này không những “giải phóng” lượng hàng tồn trong các nhà máy, mà còn cải thiện chênh lệch xuất nhập khẩu của ngành.
Theo VSA, năm 2010, ngành thép đã rất thành công khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục với 1,3 triệu tấn sắt thép các loại, thu về khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 162,92% về lượng và tăng 174,18% về trị giá so với năm 2009. Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn so với 7,1 tỷ USD nhập khẩu thép và các sản phẩm liên quan đến thép. Thêm nữa, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu một vài sản phẩm thép, trong đó thép xây dựng chỉ chiếm tỷ lệ không nhiều. Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành thép hiện nay.
Tuy nhiên, sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Australia. Những nước này xuất khẩu sắt thép với sản lượng rất lớn, lại được ưu đãi về thuế, nên khi ra thị trường thế giới, giá sản phẩm rất cạnh tranh. Trong khi, Việt Nam xuất khẩu với số lượng nhỏ, lại chưa được hỗ trợ về thuế, nên khả năng cạnh tranh chưa cao. Đó cũng là lí do khiến các doanh nghiệp ngành thép không tán thành đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng, trong đó có thép mới đây của Bộ tài chính.
Ngoài việc cần tạo điều kiện xuất khẩu thép trong nước ra thị trường Quốc tế, cũng cần có những biện pháp tăng cường giám định đối với thép nhập khẩu, ưu đãi sử dụng thép nội trong các công trình Quốc gia. Chẳng hạn, trước đây trong cơn khủng hoảng của ngành thép Indonesia, Chính phủ nước này đã quy định rõ các dự án Chính phủ phải sử dụng thép trong nước sản xuất, thép nhập khẩu phải tuân theo tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia. Các nước như Malaysia, Thái Lan hiện đều ban hành tiêu chuẩn quốc gia mới chặt chẽ hơn để cản bớt việc nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ của các nước đang thừa vào nước họ.
Một giải pháp quan trọng thuộc tầm vĩ mô nữa là đã đến lúc cần có sự rà soát, xiết chặt lại quy hoạch và công tác quản lí. Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của cả Luật Đầu tư lẫn Luật Xây dựng. Tuy vậy, trên thực tế công tác trên chưa được thực thi triệt để. Cần có những biện pháp quyết liệt hơn, như : rút giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết với những dự án đã cấp phép; tạm dừng cấp phép đối với các dự án thiếu tính bức thiết…
Như vậy, việc có ngăn chặn được cuộc khủng hoảng thừa đang bắt đầu hiện nay của ngành thép hay không phụ thuộc và sự kịp thời của những giải pháp đồng bộ cũng như sự chủ động của mỗi doanh nghiệp.
Mạnh Hùng