Tính đến thời điểm này, giá phôi thép thế giới đã nhích lên 435 - 450 USD/tấn (chưa kể thuế nhập khẩu).
Tính đến thời điểm này, giá phôi thép thế giới đã nhích lên 435 - 450 USD/tấn (chưa kể thuế nhập khẩu).
Giá dầu trong nước sau 2 lần điều chỉnh gần đây cũng tăng mạnh 1.500 - 1.650 đ/lít so với tháng 5. Chỉ tính riêng việc tăng giá dầu đã làm giá thành thép đội lên khoảng 60 nghìn đ/tấn. Với tình hình này, giá thép trong nước có thể sẽ lại tăng theo “nhiệt độ” của thị trường. Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia ngành thép, DN tăng giá trong bối cảnh này không chừng là tự mình làm khó mình!
Chuẩn bị cho kế hoạch tăng giá
Sau khi một loạt các chi phí đầu vào tăng, nhiều Cty thép đã bắt đầu rục rịch cho kế hoạch tăng giá. Ông Đào Đình Đông, Trưởng phòng thị trường Cty Thép Miền Nam cho biết: “Hiện chưa có tính toán cụ thể, nhưng giá thành thép của Cty sẽ tăng lên theo giá thị trường. Chắc chắn giá bán ra sẽ phải điều chỉnh lại”. Ngay cả với Cty tự chủ được 50% nguồn phôi như Gang thép Thái Nguyên cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng giá. Vì theo lý giải của Cty này, khâu bốc dỡ và vận chuyển ở các điểm mỏ quặng, vận chuyển thép vào miền Trung và bản thân công nghệ luyện kim ngốn rất nhiều dầu khiến cho chi phí sản xuất tăng mạnh.
Theo các chuyên gia ngành thép, việc tăng giá theo thị trường thế giới như vậy là do thép Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhập khẩu phôi. Vì thông tin Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố là sản xuất được 50 - 60% phôi chỉ là tổng công suất thiết kế của các nhà máy. Sản xuất thực tế hiện nay chỉ khoảng 30%, còn lại vẫn phải nhập khẩu vì nguồn nguyên liệu để sản xuất phôi thép là thép phế cũng rất hạn chế.
Tuy nhiên, dự kiến thép sẽ tăng bao nhiêu thì hiện giờ các Cty vẫn đang trong thời gian tính toán, thăm dò thị trường. Vì trên thực tế, trong 2 tháng qua giá thép đã 3 - 4 lần tăng giá do thuế nhập khẩu phôi tăng thêm 3% và nhu cầu tiêu thụ thép hồi phục.
Thận trọng thăm dò thị trường
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch VSA, thời điểm này dù giá phôi và các chi phí đầu vào tăng nhưng các DN thép không thể tăng giá “bừa bãi”, nếu không thép nhập khẩu sẽ tràn vào. Vì thép cuộn xây dựng từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi 0% nhập về Việt Nam ngày càng nhiều, giá lại thấp hơn từ 500 - 700 nghìn đ/tấn.
Các DN trong nước thời gian qua vẫn cạnh tranh được với thép nhập khẩu là do thương hiệu, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng nếu tăng nữa thép nội sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu. “Các nhà sản xuất thép nội phải hết sức cẩn trọng khi có quyết định tăng giá, nếu không sẽ tạo điều kiện cho thép ngoại giá rẻ chiếm lĩnh thị trường. Việt Nam không hề thiếu những bài học thua ngay trên sân nhà vì thép ngoại giá rẻ”, ông Nghi cảnh báo.
Hơn nữa, công suất ngành thép đến năm 2009 lên tới 7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ từ 3,8 - 4 triệu tấn, cộng thêm khoảng 700 nghìn tấn thép nhập khẩu. Cung lớn hơn cầu nên các DN cũng phải rất dè chừng trong việc tăng giá. Mặt khác, việc tăng giá cũng cần được cân nhắc kỹ trước các tín hiệu cung cầu của thị trường. Vì thời điểm này đã bước vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm nên sức tiêu thụ thép tháng 7 có thể sẽ giảm.
Hiện giá thép dao động từ 10,4 - 11,15 triệu đ/tấn (chưa có VAT) tùy theo thương hiệu, phương thức thanh toán và chủng loại thép. Dù các DN vẫn đang “nhìn nhau” trong câu chuyện quyết định tăng giá, nhưng theo nhận định của VSA, trong quý III dù lượng thép sẽ giảm nhẹ nhưng giá thế giới đang tăng nên giá trong nước cũng sẽ tăng theo.