Trong năm 2012, ngoài những lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước cũng
có chính sách cho thị trường bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng.
Trong năm 2012, ngoài những lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước cũng có chính sách cho thị trường bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng.
Trong năm 2012, nguồn tín dụng dành cho phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ được đẩy mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi trong lĩnh vực này. Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí vào ngày 21/11.
- Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm 2011, xin Thống đốc cho biết, định hướng điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước những tháng cuối năm 2011?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng thương mại sẽ cố gắng có những hoạt động tích cực để góp phần vào tăng trưởng kinh tế không chỉ của năm nay mà tạo đà của cả năm sau. Đến giờ phút này, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống khoảng trên 10% so với cuối năm 2010. Chúng tôi dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 của toàn hệ thống khoảng 12-13%. Nếu kể cả những khoản đầu tư có bản chất tín dụng khác thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/12/2011 sẽ đạt khoảng 15%.
- Dự kiến kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm tới sẽ là bao nhiêu và những lĩnh vực cho vay nào sẽ tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ trong năm tới và ngược lại, những lĩnh vực nào sẽ được khuyến khích cho vay, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 2012, trong đó tín dụng ngân hàng từ 15-17%. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành các ngân hàng thương mại đạt mục tiêu này, để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát trong các năm tiếp theo nhưng đồng thời đảm bảo phát triển của nền kinh tế khoảng 6-6,5%.
Những lĩnh vực được ưu tiên trong năm tới là phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là khôi phục lại hoạt động sản xuất các vùng bị thiên tai lũ lụt thời gian qua; phục vụ cho hoạt động xuất khẩu; cho vay công nghiệp phụ trợ; đảm bảo vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quy định cụ thể hơn trong việc cho vay phi sản xuất liên quan đến việc mua nhà ở của người có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị cũng như ở các khu công nghiệp. Đó là lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng ưu tiên phát triển tín dụng trong năm tới.
- Vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách nào để khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi trong những lĩnh vực này?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Theo Nghị Quyết Quốc hội thông qua, mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu. Do vậy, hoạt động tiền tệ của hệ thông ngân hàng vẫn tiếp tục chặt chẽ, ngoài những lĩnh vực ưu tiên trên chúng tôi cũng có chính sách cho thị trường bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... một cách đầy đủ hơn.
Ví dụ, trong nền kinh tế của một nước đang phát triển như Việt Nam thì thị trường kinh doanh bất động sản cũng là động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội, nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì từ tích cực có thể chuyển sang tiêu cực làm cho thị trường bất động sản phát triển quá mức, tạo ra những “bong bóng” gây rủi ro cho xã hội.
Nếu thị trường bất động sản đóng băng thì cũng có hệ lụy cho nền kinh tế nói chung. Do vậy Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách nhìn thực tế để không làm cho bóng bóng bất động sản tăng lên nhưng đồng thời khơi dậy hoạt động thị trường ở mức độ hợp lý.
Trong lĩnh vực tiêu dùng cũng vậy, chúng ta sản xuất ra một phần để xuất khẩu, một phần để tiêu dùng trong nước. Do vậy, nếu chúng ta không khuyến khích sẽ kìm hãm suất xuất ở mức nhất định nhưng khuyến khích quá, hơn cả phần tích lũy sẽ tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng để có chính sách phù hợp hơn.
Ví dụ, thị trường bất động sản đã sản xuất ra nhiều căn hộ, nếu không tạo ra tín dụng tiêu dùng hợp lý thì việc mua bán các căn hộ này sẽ đình trệ, từ đó làm toàn bộ thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi sẽ có những bước đi phù hợp vừa ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng không để thị trường này đóng băng, ảnh hưởng tới phát triển của nền kinh tế.
- Mặt bằng lãi suất huy động VND đã được đưa về từ 14%/năm trở xuống, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh vẫn ở mức 17%/năm. Vậy theo Thống đốc có nên tính đến việc hạ lãi suất cho vay xuống nữa không? Và nếu có thì Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ có những biện pháp nào?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Trong năm 2011, chúng ta đã có những nỗ lực lớn trong điều hành kinh tế, về vĩ mô Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát. Từ tháng 8/2011 tới nay, lạm phát có chiều hướng đi xuống. Đó là dấu hiệu rất tích cực, nhưng cũng phải khẳng định rằng, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức khá cao, từ nay tới cuối năm chung ta vẫn đang phấn đấu giữ lạm phát ở mức 18-18,5%.
Do vậy, từ tháng 8/2011 tới nay, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại đã hoạt động hết sức tích cực để đưa được mức lãi suất huy động về 14%/năm, lãi suất cho vay ra ở mức 16-17/năm, thậm chí là 18%/năm. Việc tiếp tục giảm lãi suất là nhu cầu tất yếu của nền kinh tế nhưng chúng tôi phải tiến hành nó trong bối cảnh kiềm chế lạm phát. Với dấu hiệu lạm phát giảm trong thời gian qua và chúng tôi cũng hy vọng rằng, trong 2 tháng cuối năm, chỉ số giá cả sẽ ở mức thấp dưới 1%/tháng. Nếu chúng ta đạt được điều đó thì sẽ tạo cơ sở vững chắc cho hệ thống ngân hàng giảm lãi suất vào thời điểm cuối năm nay, tạo đà cho hoạt động sản xuất đầu năm sau.
- Xin cảm ơn Thống đốc!
(Theo Vietnam+)