Bộ Xây dựng chính thức ban hành Thông tư 16 hướng dẫn thi hành Nghị định 71, có hiệu lực từ ngày 15/10 là thông tin pháp lý đáng chú ý trên thị trường bất động sản tuần qua.
Bộ Xây dựng chính thức ban hành Thông tư 16 hướng dẫn thi hành Nghị định 71, có hiệu lực từ ngày 15/10 là thông tin pháp lý đáng chú ý trên thị trường bất động sản tuần qua.
Cùng ngày, văn bản 163/HHNH của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi đồng thuận hạ lãi suất giữa các hội viên cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các tổ chức tín dụng lần lượt công bố mức lãi suất huy động dưới 11%/năm và đẩy mạnh chương trình khuyến mãi cho vay tiêu dùng bao gồm cho vay mua nhà đất.
Những tín hiệu tích cực trên được chuyên gia dự báo đang và sẽ tác động đến thị trường bất động sản, nhiều khả năng từ đây đến cuối năm thị trường ấm trở lại.
Theo giới đầu tư, nội dung của Thông tư 16 có những quy định khá thoáng so với “tinh thần” Nghị định 71 (NĐ71). Cụ thể, NĐ71 quy định: các bên chỉ được ký kết hợp đồng ủy quyền quản lý, trông coi, sử dụng nhà ở, ủy quyền bán, cho thuê sau khi nhà ở đã được xây dựng xong.
Theo đó, những hợp đồng góp vốn mua nhà hình thành trong tương lai sẽ không được phép giao dịch - là nguyên nhân khiến thị trường nhà ở đóng băng bấy lâu bởi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn là giao dịch rất phổ biến trên thị trường. Thì nay với quy định mới của Thông tư 16 cho phép chuyển nhượng hợp đồng góp vốn sẽ khiến thị trường nhộn nhịp hơn vào cuối năm, các nhà đầu tư dự báo.
Trong khi đó, thông điệp hạ mặt bằng lãi suất theo định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả những tháng cuối năm, duy trì lạm phát ở mức hợp lý của Chính phủ cũng được các ngân hàng thương mại hưởng ứng.
Ở góc độ chuyên môn, giới chuyên gia tài chính cho biết các ngân hàng thương mại vừa có bước tăng vốn theo yêu cầu vốn pháp định là 3.000 tỉ đồng vào cuối năm 2010, ngoài ra Thông tư 19 (sửa đổi một số quy định trong Thông tư 13) cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn vốn cho vay thông qua các nguồn 25% tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi Kho bạc và tiền vay trên thị trường liên ngân hàng.
Như vậy, với nguồn vốn cho vay dồi dào, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh giải ngân nhằm đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng 25% vào cuối năm nay.
Dễ thấy, những nút thắt lâu nay của thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ. Thị trường cũng bắt đầu cho thấy có sự chuyển động, rõ nét nhất là phía Tây - Tây Bắc thành phố, các khu vực Q.12, Bình Tân, Củ Chi và Hóc Môn.
Sau khi các khu đô thị lớn như Nam Sài Gòn (Q.7, huyện Bình Chánh), đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) được đầu tư hạ tầng khá hoàn chỉnh, giá đất tại các khu vực này đã tăng “chạm nóc” thì đô thị Tây Bắc hiện đang là điểm nhắm của các dòng tiền đầu tư dài hạn.
Mới đây, Chính phủ cũng có chỉ đạo yêu cầu đôn đốc các địa phương tích cực triển khai thực hiện Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020. Thông tin này được các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp nhìn nhận như là một cơ hội lớn trong giai đoạn sắp tới.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh rất phấn khởi với nội dung dự thảo về quy chế cho hộ gia đình, cá nhân được vay tiền xây nhà hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê trên địa bàn thành phố của Quỹ Phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh.
Thời hạn vay tối đa lên đến bảy năm với lãi suất từ 12 - 13%/năm. Các chuyên gia cho rằng khi chính sách này được thông qua sẽ tác động tích cực, thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nhỏ, có sẵn quỹ đất, đồng thời giải quyết được chỗ trọ cho công nhân đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay.
Như vậy, với những thông tin thuận chiều, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thị trường bất động sản sôi động hơn trong sáu tháng tới.
(Theo DNSG)