Huyện Thường Tín tọa lạc ở phía Nam của Thủ đô Hà Nội, nơi có hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương vụ dịch mại chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện.
1. Vị trí địa lý huyện Thường Tín
Là một huyện của TP. Hà Nội và thuộc đồng bằng sông Hồng, huyện Thường Tín cách khu vực trung tâm TP khoảng 20km về phía Nam với vị trí địa lý, ranh giới tiếp giáp như sau:
-
Phía Đông huyện Thường Tín giáp huyện Khoái Châu, Văn Giang (Hưng Yên), ranh giới tự nhiên là sông Hồng.
-
Phía Tây huyện Thường Tín giáp huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội.
-
Phía Nam huyện Thường Tín giáp huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội.
-
Phía Bắc huyện Thường Tín giáp huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Địa hình huyện Thường Tín tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây với độ chênh lệch cao thấp không đáng kể. Độ cao của địa hình so với mực nước biển dao động từ 5 - 8m. Có hai con sông lớn chảy qua địa bàn huyện là sông Hồng và sông Nhuệ.
Trong đó, sông Hồng chạy theo ranh giới huyện ở phía Đông với chiều dài khoảng 20km, là nguồn cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và có vai trò quan trọng về giao thông đường thủy. Phía Tây của huyện có sông Nhuệ - nguồn cung cấp nước cũng như tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp của Thường Tín Hà Nội.
Khí hậu đặc trưng của huyện Thường Tín là nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều vào mùa hè và khô lạnh, ít mưa vào mùa đông. Huyện chịu ảnh hưởng của hai loại gió: Gió Đông Nam vào mùa hè và gió Đông Bắc vào mùa đông. Trong các tháng chuyển tiếp giữa hai mùa còn có gió Tây Nam, Đông Nam.
2. Hành chính huyện Thường Tín
Huyện Thường Tín có tổng diện tích đất tự nhiên là 127,59 km2, quy mô dân số theo số liệu năm 2019 vào khoảng 250.160 người, mật độ dân số 1.961 người/km2.
Hiện tại, Thường Tín có 29 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn huyện lỵ Thường Tín và 28 xã sau: Vân Tảo, Văn Tự, Văn Phú, Văn Bình, Vạn Điểm, Tự Nhiên, Tô Hiệu, Tiền Phong, Thư Phú, Thống Nhất, Thắng Lợi, Tân Minh, Quất Động, Ninh Sở, Nhị Khê, Nguyễn Trãi, Nghiêm Xuyên, Minh Cường, Liên Phương, Lê Lợi, Hồng Vân, Khánh Hà, Hòa Bình, Hiền Giang, Hà Hồi, Duyên Thái, Dũng Tiến, Chương Dương.
|
Bản đồ hành chính huyện Thường Tín, TP. Hà Nội |
Về lịch sử hình thành, Thường Tín từ thời nhà Lê đến nhà Nguyễn là một phủ thuộc Trấn Sơn Nam, tỉnh Hà Nội, về sau thuộc tỉnh Hà Đông gồm các huyện Phú Xuyên, Thượng Phúc, Thanh Trì. Tháng 04/1965, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây. Tháng 12/1975, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây, huyện Thường Tín lại thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Đến ngày 12/08/1991, huyện Thường Tín lại thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 01/08/2008, tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào TP. Hà Nội gồm cả huyện Thường Tín.
>>> Xem thêm:
3. Giao thông
Hệ thống giao thông huyện Thường Tín được quy hoạch và đầu tư xây dựng khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Đường bộ huyện Thường Tín
Đáng chú ý là hai tuyến đường bộ chạy dọc huyện, trong đó Quốc lộ 1A với chiều dài 17,2km, bề rộng mặt đường 8m góp phần vào việc phát triển kinh tế của huyện Thường Tín.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với chiều dài qua huyện là 17km, bề rộng mặt đường khoảng 40m, quy mô 6 làn xe, 2 cầu vượt, hai đường gom rộng 10m tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, kêt nối, lưu thông hàng hóa.
Tỉnh lộ 427 với tổng chiều dài 12km, bề rộng 7m, chạy từ Bình Đà - Hiền Giang - cảng Hồng Vân kết nối huyện Thanh Oai với huyện Thường Tín. Tỉnh lộ 429 qua huyện có tổng chiều dài 3,54km, bè rộng 7m, kết cấu bê tông nhựa chạy từ chợ Tía, xã Tô Hiệu đi qua Quán Tròn, huyện Thanh Oai tới huyện Thanh Trì.
Cùng với đó là hệ thống đường huyện quản lý gồm 14 tuyến chính với tổng chiều dài 49km: Đường Chùa Dậu - Ba Lăng, Tiền Phong - Tân Minh, Thống Nhất - Vạn Điểm, Tía - Bến Dấp, Nhị Khê - chợ Đám, Quán Giai - chùa Dậu, Một Thượng - Nghiêm Xuyên, Hòa Bình - Khánh Hà, Duyên Thái - Ninh Sở, Liên Phương - Ninh Sở, Vân Tảo - Ninh Sở, Vân Tảo - Chương Dương, Đào Xá - An Cảnh, Quất Động - Chương Dương.
Đường sắt huyện Thường Tín
Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua địa bàn huyện Thường Tín với 3 nhà ga gồm ga Thường Tín, ga Chợ Tía và ga Vạn Điễm (còn được gọi là ga Đỗ Xá). Đây là điều kiện giao thông thuận lợi để lưu thông hàng hóa với các vùng miền khác trên cả nước, nhất là vận chuyển từ các cảng lớn trên toàn quốc về huyện.
Đường thủy huyện Thường Tín
Đường sông là một trong những lợi thế của giao thông huyện Thường Tín. Hai con sông lớn chảy qua địa bàn huyện gồm sông Hồng và sông Huệ với 2 bến cảng (cảng Hồng Vân, cảng Vạn Điểm), 6 bến đồ. Trong đó, sông Hồng ở ở phía Đông của huyện với chiều dài 15km, chảy qua các xã Ninh Sở, Hồng Vân, Tự Nhiên, Thư Phú, Lê Lợi, Thống Nhất, Vạn Điểm.
Sông Nhuệ nằm ở phía Tây huyện Thường Tín với tổng chiều dài chảy qua huyện là 17,5km, đi qua các xã Khánh Hà, Hòa Bình, Hiền Giang, Tiền Phong, Nguyễn Trãi, Tân Minh, Dũng Tiến và Nghiêm Xuân.
|
Quy hoạch giao thông huyện Thường Tín |
4. Kinh tế
Kinh tế huyện Thường Tín đã và đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Theo đó, trong cơ cấu ngành kinh tế, chiếm tới hơn 53% là công nghiệp - xây dựng; thương mại dịch vụ hơn 32%, còn lại là lĩnh vực nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện hiện có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp với đa dạng lĩnh vực sản xuất, gồm: Cụm công nghiệp Duyên Thái (xã Duyên Thái); cụm công nghiệp Liên Phương (xã Liên Phương), cụm công nghiệp Quất Động (xã Quất Động), khu công nghiệp Phụng Hiệp (xã Nghiêm Xuyên, Tô Hiệu, Dũng Tiến, Thắng Lợi), khu công nghiệp Hà Bình phương (xã Liên Phương, Văn Bình, Hà Hồi).
Cùng với đó các cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Duyên Thái, làng nghề mây tre đan Ninh Sở, làng nghề mộc Văn Tự, làng nghề bông len Tiền Phong... Có thể nói, Thường Tín là vùng đất của làng nghề truyền thống đan xen với các nghề mới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung của huyện.
Các làng nghề tiêu biểu gồm:
- Nghề mộc ở An Định, xã Tô Hiệu
- Nghề mộc ở Phúc Trạch, xã Thống Nhất
- Mộc, cơ khí Nguyên Hanh, xã Văn Tự
- Dệt đũi thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên
- Nghề may Gia Khánh, xã Nguyễn Trãi
- Nghề thêu ren xã Thắng Lợi
- Thêu ở Đình Tổ, xã Nguyễn Trãi
- Làm bánh giày ở Quán Gánh, xã Nhị Khê
- Nghề làm vàng mã thôn Phúc Am, xã Duyên Thái
- Hoa, cây cảnh thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân
- Làm xương sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình
- Điêu khắc gỗ Nhân Hiền, xã Hiền Giang
- Bật bông, chăn, ga, đệm Trát Cầu, xã Tiền Phong
- Đan lưới ở Trần Phú, xã Minh Cường
- Nghề tiện gỗ ở xã Nhị Khê
- Làng nghề thủy tinh tôn Giáp Long, xã Thống Nhất.
5. Văn hóa - Giáo dục
Huyện Thường Tín có truyền thống lịch sử văn hóa đặc trưng của vùng ven đô. Trên địa bàn huyện hiện có 126 làng cổ, phân thành 169 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Thường Tín cũng là vùng đất khoa bảng nổi tiếng với nhiều người đỗ đạt cao, lưu danh sử sách. Nhiều gia đình, dòng họ với các đời đều có người đỗ đạt như họ Vũ làng Ba Lăng, xã Dũng Tiến; họ Ngô ở Nghiêm Xá; họ Từ ở làng Khê Hồi, xã Hà Hồi. Tiêu biểu có gia đình Nguyên Phi Khanh làng Nhị Khê có cả cha và con đều đỗ Thái Học Sinh (tương đương Tiến sĩ) năm 1400.
Trong 385 điểm di tích cổ trên địa bàn huyện, có gần 100 điểm được Nhà nước xếp hạng, tiêu bieur như chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi; chùa Mui, xã Tô Hiệu; đền thờ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê. Huyện Thường Tín còn lưu giữ được nhiều tục cữ, ca dao, dân ca địa phương, nhiều lễ hội, các tích trò xưa như hát trống quân, võ cổ truyền, kéo lửa nấu cơm thi...
Hệ thống trường học các cấp tại huyện Thường Tín đã và đang được chú trọng đầu tư phát triển cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh. Trang thiết bị, trường lớp không ngừng được cải thiện, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của con em trên địa bàn.
Huyện có 29 trường tiểu học, 30 trường THCS và 6 trường THPT: THPT Phùng Hưng, THPT Lý Tử Tấn, THPT Vân Tải, THPT Tô Hiệu, THPT Nguyễn Trãi, THPT Thường Tín. Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn có hai trường cao đẳng: Trường Cao đẳng Truyền hình và Trường Cao đẳng Sư phạm.
6. Y tế huyện Thường Tín
Mạng lưới y tế huyện Thường Tín đã và đang được nâng cấp, hoàn thiện với 29/29 trạm y tế có bác sĩ khám, chữa bệnh. Hiện đảm bảo 100% các thôn đều có nhân vien y tế thôn, 100% trạm y tế dược nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới. Huyện có 2 bệnh viện gồm Bệnh viện tâm thần Trung ương và Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, 1 viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương và 1 trung tâm y tế dự phòng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn.
|
Một góc huyện Thường Tín, TP. Hà Nội từ trên cao |
7. Quy hoạch đô thị
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Thường Tìn, TP. Hà Nội đến năm 2030 với tỷ lệ 1/10.000, khu vực nghiên cứu quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Thường Tín với tổng diện tích đất khoảng 12.738,64 ha. Trong đó, đất khu vực đô thị gồm thị trấn Thường Tín và một phần của các phân khu S5, GS, GS (A); sông Hồng, một phần đô thị vệ tinh Phú Xuyên là 3.599,09 ha.
Đến năm 2030, quy mô dân số dự báo của huyện Thường Tín vào khoảng 287.000 người. Trong dó, dân số đô thị chiếm khoảng 117.000 người, dân số nông thôn khoảng 170.000 người. Trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội là thị trấn Thường Tín. Theo đó, sẽ cải tạo kết hợp xây dựng mới đối với thị trấn này. Cụ thể, khu vực hiện hữu sẽ cải tạo, bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đối với khu vực phát triển mới, sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại.
Về tổ chức không gian đô thị, hai bên Quốc lộ 1A bố trí không gian cây xanh lớn kết họp mặt nước điều hòa xây dựng công viên, tạo cảnh quan đẹp cho trục đường. Đồng thời, bổ sung quỹ dất bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội phục vụ cư dân trên địa bàn.
Đối với không gian khu dân cư nông thôn, định hướng phát triển theo đặc trưng riêng của nông thôn Thủ đô về mọi phương diện. Đảm bảo sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa nông thôn và đô thị, từng bước dịch chuyển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao; bảo tồn di tích, di sản, giá trị cảnh quan...
8. Thị trường bất động sản huyện Thường Tín
Với vị trí cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, hạ tầng giao thông huyện Thường Tín đã và đang được chú trọng phát triển nhằm kết nối các hoạt động giao thương của TP. Hà Nội với các tỉnh phía Nam. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của huyện và bất động sản Thường Tín có nhiều tiềm năng tăng trưởng, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Huyện có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua, đường thủy nội địa với hai cảng sông, trong tương lai đường Vành đai 4 và cầu Mễ Sở kết nối Thường Tín với Văn Giang, Hưng Yên tạo nên trục giao thông huyết mạch của Thủ Đô. Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp cùng dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Km189 qua huyện Thường Tín...
Tới đây, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn huyện cũng sẽ được triển khai xây dựng. Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, các cụm công nghiệp sẽ thu hút các nhà đầu tư, giới chuyên gia, kỹ sư, công nhân về đây làm việc. Nhu cầu an cư, nhà ở vì thế cũng gia tăng. Đây đều là những động lực mạnh mẽ để thúc đẩy thị trường nhà đất Thường Tín phát triển.
Thực tế cho thấy, thị trường mua bán đất huyện Thường Tín, đặc biệt là đất thổ cư có giao dịch sôi động nhất. Các lô đất thổ cư được rao bán trên Batdongsan.com.vn với giá từ 5 - 25 triệu đồng/m2, nhà phố giá từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng/căn. Đất mặt tiền đường lớn, ô tô tránh nhau có giá từ 30 - 35 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội, nhất là các huyện quy hoạch lên quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố sẽ có nhiều biến động, đôi khi chỉ mang tính nhất thời bởi sự nhiễu loạn của giới cò đất, đầu nậu lợi dụng thông tin hạ tầng, dự án để trục lợi.
Nhà đất huyện Thường Tín cũng không ngoại lệ, việc "lướt sóng" đầu tư ngắn hạn cần hết sức thận trọng bởi các cơn sốt đất ảo sẽ dẫn tới rủi ro về thanh khoản. Nhà đầu tư tham gia thị trường trung đến dài hạn sẽ an toàn hơn.
Lam Giang (TH)