Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, kết nối quận với các huyện, quận trong TP và với các địa phương lân cận.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có nhiều di tích lịch sử, văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tên quận được đặt theo tên của hồ Hoàn Kiếm. Đây là nơi tập trung của nhiều cơ quan Trung ương về hành pháp, tư pháp, các đại sứ quán và các cơ quan Đảng, Chính quyền TP. Hà Nội. Cùng với đó là các trung tâm thương mại, buôn bán lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, Tràng Tiền Plaza...
Vị trí địa lý quận Hoàn Kiếm
Tọa lạc ở vị trí nội đô lịch sử của TP. Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có phạm vi ranh giới cụ thể như sau:
-
Phía Đông quận Hoàn Kiếm tiếp giáp quận Long Biên, ranh giới tự nhiên là sông Hồng.
-
Phía Tây quận Hoàn Kiếm giáp các quận Đống Đa, quận Ba Đình với ranh giới là các phố Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Trần phú, Lý Nam Đế và đường tàu.
-
Phía Nam quận Hoàn Kiếm tiếp giáp quận Hai Bà Trưng, ranh giới là các phố Nguyễn Du, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Trần Hưng Đạo.
-
Phía Bắc và Tây Bắc quận Hoàn Kiếm tiếp giáp quận Ba Đình, ranh giới là các phố Phan Đình Phùng, Hàng Đậu.
Như vậy, với vị trí trung tâm của TP. Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận có nhiều ưu thế trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là văn hóa và du lịch. Quận cũng thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường, giao lưu phát triển với các quận khác của TP và các tỉnh, thành lân cận.
|
Bản đồ hành chính quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội |
Địa hình - Khí hậu
Địa hình quận Hoàn Kiếm tương đối bằng phẳng, thoải dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Cao độ thấp nhất là 6,5m, cao nhất là 11m. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, địa hình quận được bồi nền nhân tạo cao thêm 1,2m so với địa hình tự nhiên ban đầu.
Về khí hậu, quận Hoàn Kiếm thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa lạnh bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10. Nền nhiệt trong năm dao động từ 8 - 38 độ C.
Hồ Gươm thuộc quận được ví là "viên ngọc quý" của Thủ đô, là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử quan trọng của TP. Hà Nội. Với hơn 32.000 diện tích cây xanh ven hồ và 130.000m2 mặt nước, Hồ Gươm còn giúp điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái của quận.
Diện tích và dân số
Quận Hoàn Kiếm có tổng diện tích đất tự nhiên là 5,29 km2 - là quận có diện tích tự nhiên nhỏ nhất tại TP. Hà Nội. Trong tổng diện tích đất tự nhiên đó, có 4,53 km2 đất dân cư, phần còn lại là diện tích mặt nước và sông Hồng.
Quy mô dân số quận Hoàn Kiếm Hà Nội theo số liệu thống kê năm 2019 vào khoảng 135.618 người. Theo đó, mật độ dân số của quận là 33.662 người/km2.
Hành chính quận Hoàn Kiếm
Hiện tại, quận Hoàn Kiếm có tổng cộng 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 18 phường sau: Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo, Phúc Tân, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ, Hàng Trống, Hàng Mã, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Bồ, Hàng Bài, Hàng Bạc, Đồng Xuân, Cửa Nam, Cửa Đông, Chương Dương.
Lịch sử hình thành
Cùng với quận Ba Đình, Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của TP. Hà Nội. Lịch sử quận Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử Kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiến. Hoàn Kiếm từ thời Lý - Trần trở đi thuộc huyện Thọ Xương, nơi kinh doanh buôn bán sầm uất của Kinh thành Thăng Long xưa.
Từ năm 1886, thời Pháp thuộc, quận Hoàn Kiếm được phát triển về phía Nam hồ Hoàn Kiếm, quy hoạch kiểu khu phố châu Âu theo hệ thống bàn cờ đặc trưng. Diện tích quận lúc bấy giờ chiếm phần lớn diện tích TP. Hà Nội cũ thuộc Pháp. Nhiều công trình kiến trúc Pháp đã được xây dựng và hầu hết các phố thuộc quận Hoàn Kiếm ngày nay đều đã từng mang tên tiếng Pháp.
Từ năm 1954 - 1961, khu vực quận Hoàn Kiếm gồm toàn bộ khu phố Đồng Xuân, Hoàn Kiếm và một phần khu phố Hàng Cỏ. Sau năm 1975, quận Hoàn Kiếm được xây dựng phát triển mạnh ra phía ngoài đê, nơi đây hình thành các khu nhà ở tập thể của các cơ quan. Tháng 6/1981, khu phố Hoàn Kiếm được đổi thành quận Hoàn Kiếm với 18 phường nêu trên và giữ ổn định cho đến ngày nay.
|
Phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Kinh tế quận Hoàn Kiếm
Trong những năm gần đây, kinh tế quận Hoàn Kiếm đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Theo định hướng chung của TP. Hà Nội, cơ cấu kinh tế quận chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại và du lịch.
Theo báo cáo mới đây của quận Hoàn Kiếm, kinh tế quận trong nửa đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận ước đạt 5.776 tỷ đồng, con só này đạt 51,4% dự toán năm 2022 và bằng 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, doanh thu ngành thương mại, dịch vụ ước đạt 102,5% so với kế hoạch năm 2022, bằng 109,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành du lịch bằng 188,3% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn quận hiện có hơn 70 doanh nghiệp trực thuộc Nhà nước; hơn 4.700 doanh nghiệp ngoài Nhà nước; hơn 240 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hơn 11.800 hộ kinh doanh gia đình cùng 90 hợp tác xã. Quận có chợ Đồng Xuân là một trong những khu chợ đầu mối lớn, lâu đời nhất của khu vực miền Bắc. Đặc biệt, các khu phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm của quận.
Văn hóa
Lịch sử, văn hóa quận Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử, văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trên địa bàn quận có gần 170 di tích lịch sử - văn hóa, di thích cách mạng quan trọng và nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Trong đó, tiêu biểu là quần thể kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, tháp Báo Thiên, cửa Ô Quan Chưởng, nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà thờ Lớn, tượng đài Lý Thái Tổ,...
Khu phố cổ "băm sáu phố phường" với hàng loạt đường phố có chữ "Hàng" ở đầu như Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Da, Hàng Bồ... gợi nhớ những làng nghề sầm uất của đất Kinh thành Thăng Long xưa.
Quần thể di tích văn hóa lịch sử, di tích cách mạng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm góp phần tạo tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa, có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.
|
Cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn |
Y tế
Hệ thống y tế quận Hoàn Kiếm thuộc top đầu của TP. Hà Nội. Nơi đây tập trung nhiều bệnh viện lớn tuyến đầu của cả nước với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
-
Bệnh viện Mắt Hà Nội, địa chỉ 37 Hai Bà Trưng, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Bệnh viện tim Hà Nội, 92 Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 40 Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội,
-
Bệnh viện Đa khoa Hà Nội 29 Hàn Thuyên, Phạm Đình Hổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Hà Nội, 37 Hai Bà Trưng, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương 40A, 40B Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Bệnh viện K - Cơ sở 1, số 9A, 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Bệnh viện Phụ sản Trung ương, số 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Bệnh viện Công an TP. Hà Nội, số 89 Lý Thường Kiệt, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cùng với đó là hệ thống 18 trạm y tế phường thuộc quận Hoàn Kiếm đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn quận.
Giáo dục
Công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận Hoàn Kiếm luôn được quan tâm, chú trọng. Trường học đạt chuẩn Quốc gia chiếm tỷ lệ trên 53%. Trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, học sinh quận Hoàn Kiếm đạt thành tích cao tại 5 kỳ thi toán và khoa học quốc tế với 117 huy chương. Trong đó có 19 Huy chương vàng, 29 Huy chương bạc, 38 Huy chương đồng, 31 giải khuyến khích.
Top 10 trường tiểu học hàng đầu quận Hoàn Kiếm
-
Trường tiểu học Trần Quốc Toản, số 33 phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, số 2 Ngõ Hàng Chỉ, phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường tiểu học Hồng Hà, số 40 phố Lãn Ông, phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
-
Trường tiểu học Tràng An, số 29 phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường tiểu học Quang Trung, số 39 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường tiểu học Nguyễn Du, số 11-13 Hàng Tre, phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường tiểu học Thăng Long, số 20 Ngõ Trạm, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường tiểu học Võ Thị Sáu, số 35 Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường tiểu học Bình Minh, số 80 Phố Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường tiểu học Trưng Vương, số 25 - 27 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Top 7 trường THCS hàng đầu quận Hoàn Kiếm
-
Trường THCS Ngô Sĩ Liên, số 27 - 29 Phố Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường THCS Trưng Vương, số 26 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường THCS Lê Lợi, số 17 Nguyễn Thiện Thuật, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường THCS Nguyễn Du, số 44 - 46 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường THCS Hoàn Kiếm, số 2 Phố Nhà Thờ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường THCS Chương Dương, số 103 Vọng Hà, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
THCS Thanh Quan, số 29 Hàng Cót, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Các trường THPT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm
-
Trường THPT Việt Đức, số 47 phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, số 8 phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường THPT Marie Curie 3, Trần Quốc Toản, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Các trường cao đẳng, đại học, học viện tại quận Hoàn Kiếm
-
Trường Đại học Dược Hà Nội, số 13-15 Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường Đại học Răng Hàm Mặt, số 40A Tràng Thi, phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, số 42 Yết Kiêu, phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Viện đào tạo quốc tế - Học viện Tài Chính, số 8 Phan Huy Chú, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Viện Công nghệ thông tin, số 89B Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-
Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, số 7 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giao thông quận Hoàn Kiếm
Hệ thống giao thông quận Hoàn Kiếm vào loại hoàn thiện bấc nhất Thủ đô. Nơi đây tập trung nhiều đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt. Là điều kiện thuận lợi để giao thương, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, du lịch.
- Đường bộ
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 166 tuyến phố. Trong đó, có nhiều tuyến giao thông quan trọng như đường Tràng Thi, đường Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng...
Theo quy hoạch, quận mở rộng thêm các tuyến đường Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật - Trần Khánh Dư và mở rộng phố Lê Duẩn với mặt cắt ngang 30m từ đầu tuyến Trần Hưng Đạo đến ngã tư Nguyễn Thượng Hiền.
Đồng thời, cải tạo lại nút giao đầu cầu Chương Dương. Đối với khu vực ngoài đê sông Hồng, quận định hướng mở rộng thêm các tuyến đường Nguyễn Thị Chiên - La Văn Cầu - Bạch Đằng - Cầu Đất với mặt cắt 17m. Ngoài ra, các tuyến phố nội bộ của quận cũng có bề mặt cắt ngang từ 10 - 13,5m.
- Đường sắt
Tuyến đường sắt quốc gia đi qua phía Tây Bắc của quận Hoàn Kiếm về phía ga Hà Nội. Theo quy hoạch, tuyến đường này sẽ kết hợp với đường sắt nội độ đi trên cao và nằm ở vị trí nền của đường sắt hiện hữu.
Các dự án đường sắt đi qua địa bàn quận gồm: Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình), tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Hoàng Mai). Trong đó, tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (một phần của tuyến Nội Bài - Thượng Đình), tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (một phần của tuyến Trôi - Nhổn - Hoàng Mai) đang được thi công xây dựng. Tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (một phần của tuyến Trôi - Nhổn Hoàng Mai), tuyến số 1 đang được đầu tư xây dựng.
- Đường thủy
Phía Đông quận Hoàn Kiếm giáp sông Hồng nên TP dự kiến xây dựng một cảng đường thủy trên địa bàn với quy mô diện tích 5.000m2. Mục đích là để vận chuyển hành khách, phục vụ du lịch dọc sông Hồng.
- Hệ thống xe buýt công cộng và giao thông tĩnh
Thống kê cho thấy, điểm đầu cuối và trung chuyển của các tuyến bus đi qua địa bàn quận Hoàn Kiếm gồm: Ga Hà Nội với xe buýt số 86; Bờ Hồ với các xe 09A, 09B, 14; Long Biên với các xe 04, 8A, 10A, 10B, 17, 24, 47A, 50, 58, 65, 98, 100; bãi đỗ Trần Khánh Dư với các xe 02, 19, 35A, 36, 44, 69, 09A, 09B, 14.
Các tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn quận Hoàn Kiếm gồm: 01, 02, 3A, 04, 8A, 8B, 09A, 09B, 10A, 10B, 11,14, 17, 18, 19, 22A, 23, 24, 31, 32, 34, 36, 38, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 47A, 48, 49, 50, 51, 54, 55A, 55B, 58, 65, 69, 86, 98, 100, 146. Ngoài ra còn có các tyến CNG03, E02, E05, E07.
- Bãi đỗ xe và các công trình phục vụ giao thông
Quận Hoàn Kiếm xây dựng một số bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe nổi hoặc bãi đỗ xe cao tầng tại nhiều vị trí theo quy hoạch quận Hoàn Kiếm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quận chú trọng khait hác các khu đất dọc hành lang bảo vệ đê, các ga ngầm dưới các vườn hoa.
Bãi đỗ xe được quy hoạch kết hợp với các công trình cao tầng tại các trung tâm thương mại như phố Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân, chợ Cửa Nam, Khahcs sạn Tháp Hà Nội...
Hạ tầng đô thị
|
Quận Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao |
Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và làm đẹp cảnh quan khu vực trung tâm thành phố. Theo hoạch phát triển, quận được chia làm 4 khu sau:
-
Khu phố cổ: Khu vực này xây dựng theo hướng quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ.
-
Khu vực Hồ Gươm và phụ cận: Tại đây, khi xây dựng cần phải tuân theo phê duyệt quy hoạch chi tiết, điều lệ quản lý xây dựng và các quy định trong Phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm với tỷ lệ 1/2.000.
-
Khu phố cũ: Xây dựng và cải tạo các công trình theo các quy định của Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm tỷ lệ 1/2.000 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
-
Khu vực ngoài đê sông Hồng: Xây dựng và cải tạo các công trình theo chỉ tiêu sử dụng đất của Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm tỷ lệ 1/2.000.
Thực tế cho thấy, công tác triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực các phường ngoài đê sông Hồng chưa thực sự có nhiều chuyển biến. Kết nối giao thông giữa khu vực trung tâm TP và các phường ngoài đê sông Hồng vẫn còn rời rạc. Hạn chế này hiện đang được quận tập trung khắc phục.
Công tác chỉnh trang đô thị những năm qua luôn được quận quan tâm, chú trọng. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉnh trang nhiều vườn hoa, tuyến phố, thi công nhiều dự án cải tạo hè, thoát nước trên các tuyến phố. Hạ ngầm đường dây điện lực, điện chiếu sáng, hệ thống tưới nước tự động xung quanh hồ.
Cải tạo, thay thế thảm cỏ, thảm hoa, ghế ngồi, nhà vệ sinh công cộng... góp phần hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật đô thị, cảnh quan khu vực. Đặc biệt, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Song song với công tác cải tạo đô thị, quận cũng quan tâm, chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường.
Thị trường bất động sản quận Hoàn Kiêm
Sở hữu vị trí đắc địa, nằm ngay trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại và dịch vụ du lịch của Thủ đô Hà nội, quận Hoàn Kiếm xưa nay được là kênh đầu tư "vàng" của giới đầu tư địa ốc trong nước và quốc tế. Cùng với nhà đất quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy..., bất động sản Hoàn Kiếm luôn sôi động, đặc biệt là phân khúc nhà riêng, nhà mặt phố, đất thổ cư, căn hộ chung cư. Thị trường mua bán nhà riêng Hoàn Kiếm chưa khi nào hạ nhiệt.
Phân khúc căn hộ trung cấp, cao cấp tại quận Hoàn Kiếm chiếm phần lớn tổng nguồn cung của thị trường Hà Nội. Chung cư Hoàn Kiếm không chỉ thu hút người mua để ở có tiềm lực tài chính mà còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Là quận trung tâm của Thủ đô, nên giá nhà đất quận Hoàn Kiếm cao ngất ngưởng, cao hơn so với mặt bằng chung tại nhiều quận nội đô khác.
Khảo sát tin rao bán nhà riêng quận Hoàn Kiếm trên Batdongsan.com.vn cho thấy, nhà phố Nguyễn Khắc Cần giá 93,3 triệu đồng/m2, diện tích 45m2; nhà riêng Phạm Ngũ Lão giá 127,3 triệu đồng/m2, diện tích 55m2; nhà phố 40m2 liền kề công viên Thống Nhất giá 185 triệu đồng/m2; nhà lô góc 3 mặt thoáng trung tâm quận giá 223,8 triệu đồng/m2, diện tích 40m2; nhà phố Hàng Mã diện tích 57m2, giá 394,7 triệu đồng/m2...
Trong tương lai, bất động sản quận Hoàn Kiếm còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh sự sôi động của phân khúc nhà chung cư Hoàn Kiếm, các giao dịch bán nhà riêng Hoàn Kiếm, bán đất Hoàn Kiếm cũng rất nhộn nhịp. Những năm gần đây, quận Hoàn Kiếm cũng là nơi tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, cao ốc, chung cư cao cấp thu hút nhiều khách hàng doanh nghiệp thuê làm trụ sở công ty.
Có thể nói, quận Hoàn Kiếm ngày nay vẫn giữ cho mình những nét cổ kính, sự sầm uất của một khu phố cổ, cùng với đó là vẻ hào nhoáng của những công trình hiện đại, là trung tâm du lịch dịch vụ của thủ đô Hà Nội. Nhà đất Hoàn Kiếm vì thế ngày càng sốt giá, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.
Lam Giang (TH)