Quý 2/2021, thị trường cả nước ghi nhận 3 dự án nhà ở xã hội mới với hơn 1.700 căn được cấp phép. Cùng với đó là hàng nghìn căn đang được triển khai và đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, so với nhu cầu, nguồn cung nhà giá rẻ này vẫn còn hạn chế.
Về phân khúc nhà ở xã hội, theo số liệu tổng hợp từ 55/63 tỉnh, thành có báo cáo, trong quý 2 năm nay cả nước có 3 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới tại Lạng Sơn, Thanh Hóa và Đà Nẵng với số lượng căn hộ hơn 1.700 căn.
Lượng dự án nhà ở thuộc loại hình này đang được triển khai là 94 dự án, cung ứng 123.085 căn hộ, tập trung chủ yếu tại các tỉnh và thành phố gồm Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Dương.
Bên cạnh đó còn có 2 dự án với 264 căn đang hoàn thành tại Phú Thọ và Long An; 5 dự án với 1.885 căn tại Lạng Sơn, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình, An Giang được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, cung ứng thêm cho thị trường khoảng hơn 2.000 căn nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đánh giá, nguồn cung nhà ở xã hội theo thống kê ở trên vẫn còn hạn chế so với các phân khúc trung cấp và cao cấp trên thị trường. Đặc biệt, so với nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà giá thấp, lượng dự án và căn hộ này vẫn rất hạn chế.
Các dự án nhà ở xã hội có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2
Được biết, hầu hết các dự án nhà ở xã hội tại các thành phố trọng điểm đều được đầu tư xây dựng để bán với diện tích căn hộ dao động từ 50 - 70m2/căn, giá bán dưới 20 triệu đồng mỗi m2.
>>> Xem thêm:
Thành phố |
Giá bán bình quân nhà ở xã hội (triệu đồng/m2) |
Hà Nội |
13,5 - 16 |
Hải Phòng |
7,3 - 14,5 |
Đà Nẵng |
7,2 - 12,7 |
TP.HCM |
13 - 25 |
Cần Thơ |
12 - 18 |
Cụ thể, tại Hà Nội, có khoảng 4.700 căn hộ nhà ở xã hội đến từ các dự án IEC Thanh Trì, Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm, CT4 Kim Chung, Đông Anh. Các dự án giá bán lần lượt là 15,8 triệu đồng/m2; 16 triệu đồng/m2 và 13,5 triệu đồng/m2.
Tại Hải Phòng, một số dự án nhà ở xã hội có giá bán bình quân từ 7,3 - 14,5 triệu đồng/m2, trong khi giá cho thuê dao động trong khoảng 50.000 - 94.000 đồng/m2/tháng như dự án Khu cư 5 tầng, Khu nhà ở xã hội xã An Đồng, huyện An Dương; Khu chung cư 3 tầng từ lô L18 - L24 thuộc dự án Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại xã An Đồng, huyện An Dương.
Tại Đà Nẵng, giá bán trung bình các dự án nhà ở xã hội từ 7,2 - 12,7 triệu đồng/m2, giá cho thuê từ 48.000 - 63.000 đồng/m2/tháng. Đó là các dự án: Công trình chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-1 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside; chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (giá bán 9,4 triệu đồng/m2, giá cho thuê khoảng 48.000 đồng/m2); chung cư 11 tầng Khu dân cư Phong Bắc.
Tại TP.HCM, một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được bán với giá bình quân từ 13 - 25 triệu đồng/m2 gồm: Dự án nhà ở xã hội An Phú Tây với 311 căn hộ, giá bán 13 triệu đồng/m2; dự án Phú Thọ DMC đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 với gần 1.100 căn, được bán với giá 25 triệu đồng/m2.
Tại Cần Thơ, các dự án nhà ở xã hội có giá bán dao động trong khoảng 12 - 18 triệu đồng/m2, giá cho thuê từ 300.000 - 350.000 đồng/m2/tháng. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến gồm dự án chỉnh trang và phát triển đô thị An Phú, dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát.
Cảnh giác với chiêu lừa đặt cọc suất mua nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng cho hay, thời gian gần đây, nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán nhà ở xã hội và sử dụng đủ phương thức để lừa khách mua đặt cọc chốt suất mua. Báo giới thời gian qua cũng phản ánh khá nhiều về thực trạng khách hàng đặt cọc mua nhà ở xã hội với số tiền chênh rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng.
|
Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu. Ảnh minh họa |
Nhân viên môi giới thường khẳng định với khách mua rằng, phải thông qua họ thì mới có thể đặt cọc được suất mua nhà ở xã hội, được trợ giúp làm hồ sơ mua nhà và đảm bảo nắm chắc 100% cơ hội mua nhà mà không phải thông qua các bước bốc thăm, xét duyệt theo quy định hiện hành.
Hơn nữa, để hút khách, môi giới còn đưa ra những thông tin hấp dẫn như người mua có thể chọn căn hộ ưng ý. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải trả thêm một khoản chi phí "ngoại giao", "bôi trơn" dao động từ 30 - 150 triệu đồng, tùy từng sàn giao dịch.
Thậm chí, dự án chưa mở bán nhưng vẫn xuất hiện giá chênh. Chủ đầu tư khẳng định dự án chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ cũng như chưa thu bất cứ một khoản phí nào của khách hàng.
Theo các chuyên gia, nguồn cung khan hiếm là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đơn cử, Hà Nội không có dự án nhà ở xã hội mới nào được cấp phép trong quý 2/2021. Do thiếu quỹ đất nên nhiều chủ đầu tư không bố trí 20% quỹ đất trong dự án để làm nhà ở xã hội.
Mới đây, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho hay, theo Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ, với dự án dưới 10 ha, chủ đầu tư được lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%.
Nhiều chủ đầu tư vì thế đã lựa chọn hình thức nộp tiền khiến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội bị thu hẹp. Số tiền doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước đó không được bố trí cho quỹ phát triển nhà ở địa phương. Do đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu sửa đổi Nghị định 100 để khắc phục bất cập này.
Với các trường hợp chủ đầu tư thấy bố trí quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội không phù hợp, địa phương báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và phải xác định rõ vị trí, diện tích đất bố trí thay thế làm nhà ở xã hội tại địa điểm khác trên địa bàn.
Lam Giang (TH)
>> Miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư nhà ở xã hội
>> Năm 2021-2022, lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm