Mùa xây dựng đã bắt đầu nhưng các cửa hàng vật liệu xây dựng ở Hà Nội chỉ lác đác khách. Chủ các cửa hàng bình dân lo lắng sẽ tiếp tục trải qua một mùa làm ăn ế ẩm. Trong khi đó, chuỗi showroom cao cấp lại ăn nên làm ra.
Mùa xây dựng đã bắt đầu nhưng các cửa hàng vật liệu xây dựng ở Hà Nội chỉ lác đác khách. Chủ các cửa hàng bình dân lo lắng sẽ tiếp tục trải qua một mùa làm ăn ế ẩm. Trong khi đó, chuỗi showroom cao cấp lại ăn nên làm ra.
Anh Hùng, chủ một cửa hàng vật liệu trên đường Hoàng Quốc Việt cho hay, mùa xây dựng đã bắt đầu nhưng hàng bán rất chậm, đặc biệt là 2 tháng 7 âm lịch vừa rồi. "Cả ngày chỉ có vài lượt khách ghé vào, nhưng họ cũng chỉ khảo giá chứ không mua", anh Hùng cho biết.
Các cửa hàng trên phố Cát Linh, nơi được coi là đầu mối vật liệu xây dựng ở Hà Nội cũng không tránh khỏi tình trạng ế ẩm. "Năm ngoái bán chậm hơn những năm trước, năm nay còn kém hơn năm ngoái", một chủ cửa hàng thở dài.
Theo anh Hùng, nguyên nhân chủ yếu là thị trường bất động sản đang đóng băng. Người dân không mua đất, xây mới, nếu có sửa chữa thì nhu cầu về vật liệu xây dựng không nhiều.
Một nguyên nhân khác, theo nhiều chủ cửa hàng, là có quá nhiều nhà cung cấp sản phẩm và cửa hàng bán vật liệu xây dựng khiến thị trường bão hòa, cung ngày một lớn mà cầu không tăng. Chỉ riêng mặt hàng gạch ốp lát, đã có hơn một chục nhà sản xuất: Bạch Mã, Thạch Bàn, Vĩnh Phúc, Viglacera, Hồng Hà, Đồng Tâm, Long Hầu, Thái Bình... Mỗi công ty lại liên tục đưa ra mẫu mã mới, khiến khách hàng cảm thấy loãng, nên chủ yếu tham khảo chứ không quyết định mua.
Giới kinh doanh đang ngóng chờ qua tháng "cô hồn" (tháng 7 âm lịch), thị trường bất động sản ấm trở lại thì nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ tăng cao hơn. Song họ thừa nhận chắc chắn sẽ không có cảnh sôi động như những năm trước.
Hàng ế, giá vẫn tăng
Giá vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh năm nay tăng khá mạnh. Gạch ốp lát tăng 5-7%, mức tăng thấp nhất, mỗi mét vuông gạch lát nền trung bình có giá 80.000 đến 85.000 đồng. Hầu hết mặt hàng khác tăng 10%. Một bình nóng lạnh Picenza trước đây được bán với giá 2 triệu đồng, hiện tăng lên 2,2 triệu đồng. Sen vòi LG cũng tăng giá từ mức 500.000 đồng lên 550.000 đồng/chiếc, thậm chí có loại sen vòi như Joden tăng giá đến 30%.
Giá tăng, hàng ế song có rất ít chương trình khuyến mại hay giảm giá cho người tiêu dùng. Các công ty chủ yếu dành chương trình khuyến mại cho các đại lý. Một số nhà sản xuất bình nóng lạnh áp dụng phương thức mua 5 tặng 1 đối với các đại lý. Một vài công ty khác giảm 4-5% giá thành cho các cửa hàng.
Showroom đắt khách
Trong khi các cửa hàng vật liệu xây dựng và nội thất bình dân ế ẩm, các trung tâm giới thiệu sản phẩm cao cấp (showroom) lại tấp nập khách ra vào. Một nhân viên tại showroom Hùng Túy trên phố Cát Linh cho biết, lượng khách tại đây khá lớn và lượng hàng bán ra vẫn ổn định.
Showroom Thành Trang trên phố Nguyễn Khánh Toàn mới khai trương nhưng cũng có nhiều khách đến tham quan. Quản lý ở đây tiết lộ khách hàng đến showroom thường là người có tiềm lực kinh tế nên không tham khảo giá nhiều và đã xem hàng là mua.
Một bộ nội thất nhà vệ sinh loại trung bình bày bán ở các cửa hàng bình dân có giá khoảng 4-5 triệu đồng. Nhưng để mua một bộ lavabo, bồn cầu, bồn tắm, sen vòi và gương của showroom, khách hàng phải bỏ ra ít nhất 35 triệu đồng. Với các thiết bị cao cấp khác như phòng xông hơi, bồn tắm thủy lực, chi phí có thể lên tới hàng chục nghìn USD.
Nhiều showroom cũng tung ra những sản phẩm "độc" để thu hút khách hàng. Có showroom giới thiệu sản phẩm cotton wall, một loại vật liệu phủ bề mặt tường bằng sợi tự nhiên, giúp chống ẩm và lưu giữ hình ảnh trang trí trên tường. Gia chủ có thể mời họa sỹ vẽ lên tường rồi phun lớp cotton wall bằng sợi tự nhiên lên, giúp giữ hình vẽ bền đẹp. Tại một số showroom khác, khách hàng có thể đặt lavabo bằng đá ngoại nhập theo ý tưởng của mình và nhận sản phẩm sau một tuần. Tuy nhiên, giá của các dịch vụ này lên tới hàng chục triệu đồng.
Ngọc Châu