Khó khăn trong huy động vốn trung dài hạn đang hạn chế các ngân hàng tăng tín dụng bất động sản, và khi Thông tư 13 quy định cao hơn về hệ số rủi ro của các khoản vay bất động sản có hiệu lực vào đầu tháng 10, các ngân hàng cho biết việc vay tiền mua nhà sẽ khó hơn.
Khó khăn trong huy động vốn trung dài hạn đang hạn chế các ngân hàng tăng tín dụng bất động sản, và khi Thông tư 13 quy định cao hơn về hệ số rủi ro của các khoản vay bất động sản có hiệu lực vào đầu tháng 10, các ngân hàng cho biết việc vay tiền mua nhà sẽ khó hơn.
Thông tư 13/2010/TT-NHNN, có hiệu lực vào ngày 1-10-2010, nâng hệ số rủi ro của các khoản vay chứng khoán và bất động sản từ 100% hiện nay lên 250%. Việc tăng hệ số rủi ro này sẽ ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng, trong khi hệ số CAR được Ngân hàng Nhà nước quy định không giảm dưới 9%.
Để đảm bảo CAR bằng hoặc cao hơn mức quy định thì các ngân hàng hoặc phải giảm bớt cho vay các khoản vay bất động sản, chứng khoán, hoặc phải tăng vốn chủ sở hữu.
Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết, ví dụ nếu cho vay bất động sản là 40 đồng thì khi tính hệ số CAR sẽ bị xem là đã cho vay 100 đồng, trong khi với những lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp hơn thì sẽ cho vay được nhiều hơn 40 đồng. Nếu cho vay lĩnh vực mà hệ số rủi ro cao quá thì sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng và các ngân hàng sẽ buộc phải cân nhắc để hạn chế bớt các khoản cho vay bất động sản và để vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất.
Điều này cũng lý giải vì sao trong vài tuần trở lại đây các ngân hàng liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi. Như mới đây Ngân hàng An Bình đã lập hẳn một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ACB tăng gấp đôi tổng hạn mức tài trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu lên 100 triệu đô la Mỹ, và Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết sẽ dành 1.500 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp ngành gỗ.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng khác cho biết quy định về hệ số rủi ro cho các khoản vay bất động sản sẽ khiến các ngân hàng phải cân nhắc khi cho vay. “Khi quy định này làm ảnh hưởng đến chi phí vốn của các ngân hàng thì chắc chắn ngân hàng sẽ phải xem xét để tăng lãi suất cho vay đối với những khoản vay bất động sản”, ông nói.
Hiệp hội Ngân hàng mới đây cũng đã đại diện cho các ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại một số vấn đề chưa hợp lý trong Thông tư 13 hoặc lùi thời hạn áp dụng thông tư này. Sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét những vấn đề mà Hiệp hội Ngân hàng đã đưa ra xung quanh Thông tư 13.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng nộp báo cáo về các chỉ số an toàn và nêu các vướng mắc khi áp dụng thông tư này, hạn chót là 30-8.
(Theo TBKTSG)