Từ đầu quý 3 năm 2009, giá nhà đất tại Hà Nội tăng đột biến, với mức tăng khoảng 30 - 40%, đến nay xu thế này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí giá ngày càng cao hơn.
Từ đầu quý 3 năm 2009, giá nhà đất tại Hà Nội tăng đột biến, với mức tăng khoảng 30 - 40%, đến nay xu thế này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí giá ngày càng cao hơn.
Không chỉ nhà, đất ở các khu vực nội thành tăng mà ở các huyện vùng ven như Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức cũng vậy… Điều này đã khiến những người có nhu cầu chỗ ở thực sự gặp khó khăn, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp.
Có mặt tại trung tâm giao dịch bất động sản Hà Nội từ đầu buổi, chị Nguyễn Thị Lan, quận Hà Đông chứng kiến nhiều cuộc mua bán nhà đất diễn ra, còn mình không thể tìm được một mảnh đất vừa ý, hợp túi tiền. Chị Lan cho biết: Nửa năm nay, hai vợ chồng chị cũng đi lùng mua nhà ở Hà Nội mà chưa được. Nhiều dự án khi gõ cửa chủ đầu tư đều được trả lời hết rồi, hoặc chưa bán trong khi các cò thì rao nhan nhản với giá chênh lệch với giá gốc từ 7 đến 8 triệu đồng /m2. Những thửa đất có diện tích từ 30 - 50 m² tăng khoảng 300 triệu đồng so với 2 tháng trước. Với mức thu nhập không phải là cao, hai vợ chồng chị đành chờ giá xuống. Chị Nguyễn Thị Lan nói: “Tôi nghĩ giá đất chỉ sốt đột ngột, sau đó sẽ bình ổn trở lại. Chúng tôi sẽ chờ một thời gian nữa, khi giá đất sẽ hạ nhiệt sẽ mua”.
Hiện tượng tăng giá nhà, đất ở Hà Nội hiện không chỉ diễn ra tại các khu đô thị mới như Dương Nội hay khu vực Hà Đông, Xa La, An Khánh - những nơi được xem là tâm điểm phát triển của Thủ đô, mà đã lan ra các khu vực ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì… Không chỉ nhà chung cư, biệt thự, đất nền dự án có vị trí đẹp trong nội đô, mà ngay giá đất thổ cư, đất ruộng nằm sâu trong khu dân cư ở ngoại thành cũng tăng.
Cơn sốt giá đất đang diễn ra tại khu vực đất chạy dọc theo tuyến đường Láng - Hòa Lạc với mức tăng gấp 2 - 2,5 lần, đất đầu cầu Vĩnh Tuy lên tới 50 triệu/m2, đất cầu Nhật Tân phía huyện Đông Anh, giá đất cách đây 2 tháng dao động từ 6 -7 triệu/m2, hiện lên tới 22 - 24 triệu/m2. Chung cư khu Xa La giá gốc từ 13,5 triệu mỗi m2 chênh khoảng 140 triệu mỗi căn. Dự án Mê Linh Vĩnh Phúc giá gốc 6,5 triệu đồng/m2 giờ đã lên tới gần 11 triệu đồng mỗi m2. Giá chung cư tại Mỹ Đình giờ đã leo lên 25-28 triệu đồng/m2. Một số dự án tại Minh Khai, Lĩnh Nam, mức chênh lệch bán ra vào khoảng 200 triệu đồng/căn trước đó không lâu, nay đã được chào bán chênh lên 400-600 triệu đồng/căn. Giá đất thổ cư trên địa bàn xã Vân Canh cũng đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng thời điểm này năm 2008.
Chỉ trong một tháng, đất nền tại Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) đã tăng gần 14 triệu đồng/m2. Đất nền Khu đô thị Galiximco nằm trên đường Lê Trọng Tấn tăng lên mức gần 20 triệu đồng/m2 trong tháng vừa rồi. Khu vực đô thị Linh Đàm cách đây 3 tháng, giá đất còn dao động khoảng 17 triệu đồng/m2, nay đã lên 22 triệu đồng/m2. Giá đất thổ cư tại các khu vực huyện Thanh Oai, quận Hà Đông cũng đang tăng lên từng ngày.
Giá nhà đất Hà Nội một tháng qua qua leo thang chóng mặt khiến khách hàng có nhu cầu thực càng khó tiếp cận với giá gốc niêm yết từ chủ đầu tư mà phải mua qua đối tượng trung gian với giá chênh cắt cổ. Bởi thế mới có cảnh hàng ngàn người chen lấn nộp hồ sơ xin mua nhà tại dự án Khu đô thị Dương Nội do chủ đầu tư bán không qua trung gian.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là chủ đầu tư đã đẩy người dân phải mua bán vòng vèo và nguồn cung thiếu so với cầu. Thông tin dự án không được công khai ra thị trường tạo ra sự khan hiếm giả tạo, giới đầu cơ càng có dịp gom nhà, đất và nâng giá vượt xa giá trị thật. Nhiều nơi, chủ đầu tư câu kết với trung gian, tung ra nhiều thông tin không minh bạch - theo dạng tin đồn và thông qua hệ thống người làm giá - còn gọi là “cò đất” nhằm tạo nên những cơn sốt… Chỉ những người trong nghề mới tiếp cận được giá gốc. Bên cạnh đó chính tâm lý mua bán rỉ tai, a dua của khách hàng cũng khiến giá nhà đất bị đẩy cao lên rất nhiều.
Theo ông Phạm Đức Toản, giám đốc Công ty bất động sản EZ Việt Nam: Việc tăng giá nhà đất hiện nay là theo một quy luật, nền kinh tế Việt Nam dần vượt qua khủng hoảng, mặt khác thông tin về gói kích thích kinh tế thứ 2 của Chính phủ cũng có tác động đến giá bất động sản.
Ông Phạm Đức Toản nói: “Nền kinh tế đã phục hồi sau một thời gian ngủ đông kéo dài, giá trị bất động sản tăng theo đà tăng trưởng của nền kinh tế. Một nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá không kém phần quan trọng là tình trạng đầu cơ của thị trường, một số nhà đầu tư có tiền quay sang đầu cơ bất động sản. Chúng tôi đã giao dịch khá nhiều thương vụ, và các nhà đầu cơ chiếm đến 60-70%”.
Chính sách bán hàng của một số chủ đầu tư cũng đang tạo điều kiện cho giới đầu cơ kiếm lời nhanh chóng, khi chỉ yêu cầu người mua đặt cọc 50 -100 triệu đồng cho một lô đất và thông thường sau một tháng mới phải đóng 20 - 30% giá trị hợp đồng. Trong thời gian đó, lô đất có thể được chuyển nhượng rất nhiều lần, cứ mỗi lần sang tên là giá lại tăng và khi đất, nhà không hoàn toàn là chủ đầu tư và giá cả trên trời hay dưới đất là tùy tâm người bán.
Trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn thì giá nhà, đất Hà Nội hiện đã lên rất cao so với thời điểm đầu năm 2009. Những người có nhu cầu ở thực sự cần thận trọng trong giao dịch, cân nhắc kỹ, hợp đồng mua bán, tiến độ xây dựng và khả năng tài chính của mình. Người đầu tư không nên thế chấp nhà cửa, vay "nóng" với lãi suất cao mua đất, tránh tình trạng tại một số khu vực nhà đất bị thổi lên thành bong bóng cục bộ, có thể vỡ bất cứ lúc nào…
Ông An Việt Quốc, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hà Nội chia sẻ thông tin: “Có những dự án, giới đầu tư tạo đã ra cơn sốt ảo, cảnh mua tranh bán cướp. Thị trường bất động sản dành cho người thu nhập thấp hầu như không có hàng, gần như không đến tay người tiêu dùng thực sự”
Để thị trường bất động sản tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có thể phát triển vững mạnh, các cơ quan chức năng cần khắc phục các điểm yếu, như: Sàn bất động sản được quy định đóng vai trò giúp cơ quan quản lý kiểm soát giá cả, nhưng thực tế nó chưa làm được điều này; Thị trường thiếu những sản phẩm công khai, phù hợp, đặc biệt về diện tích và giá cả; Thị trường bất động chưa có sự thẩm định giá chính xác, doanh nghiệp vẫn tự phát giá nhà đất không theo cơ sở nào…
Một khi thị trường nhà đất còn thiếu cơ chế điều hành rõ ràng, không minh bạch thì cơ hội tiếp cận, mua nhà đất giá gốc trở thành giấc mơ xa vời đối với hầu hết người dân. Trong khi nhà nước cũng bị thiệt hại, chỉ có giới đầu cơ là được lợi.
(Theo VOV)