Nhiều tổ chức kinh tế “ngoại” tin rằng giá bất động sản tại Việt Nam đã
đến “đáy” nên muốn thông qua VAMC để mua những tài sản đảm bảo bằng bất
động sản.
Nhiều tổ chức kinh tế “ngoại” tin rằng giá bất động sản tại Việt Nam đã đến “đáy” nên muốn thông qua VAMC để mua những tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Nhưng VAMC chưa đặt vấn đề ký kết, hợp tác, vay vốn hay mua bán nợ đối với các đối tác này.
Trước thông tin nhiều tổ chức kinh tế nước ngoài đánh tiếng tham gia vào thị trường nợ của Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Công ty Quản lý và Khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết:
Đúng là có rất nhiều lời đề nghị của tổ chức nước ngoài, họ tới tìm hiểu mô hình hoạt động VAMC, cách thức xử lý nợ xấu, quan tâm tới các tài sản đảm bảo để thăm dò bỏ vốn đầu tư, hoặc muốn thông qua tổ chức nào đó thâu tóm lại các tài sản đảm bảo mà VAMC đã mua.
“Có khách hàng nước ngoài đặt vấn đề mua lại nợ xấu của VAMC. Nhưng VAMC chưa đặt vấn đề ký kết, hợp tác, vay vốn hay mua bán nợ đối với đối tác này. Vì có những nhà đầu tư nước ngoài đề cập đến vấn đề mua bán theo giá thị trường, nhưng hiện tại vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng nên vấn đề đặt ra không khả thi".
Cũng theo chia sẻ của Phó Chủ tịch VAMC, nhiều tổ chức kinh tế nước ngoài tin rằng giá bất động sản tại Việt Nam đã đến “đáy” nên muốn thông qua VAMC để mua những tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Do đó, VAMC cũng sẽ phải thận trọng khi tính tới việc bán tài sản nợ của doanh nghiệp, cũng không thể vội vàng bán rẻ khi thị trường đang “đóng băng”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nói: “Nếu thời gian tới, thị trường bất động sản ấm lên, nền kinh tế phát triển, giá trị tài sản được nâng lên thì tổ chức tín dụng có phát mại tài sản cũng thu được gốc, tổ chức kinh tế có bán tài sản cũng tránh được việc phá sản. Bởi khi đó, tài sản cũng có thể bán được giá hợp lý và đặc biệt là không bị thâu tóm tài sản với giá rẻ mạt”.
Đề cập tới “quyền năng” của VAMC, vị đại diện này cho rằng: “VAMC không phải cây đũa thần, chúng tôi chỉ là đầu mối trung gian hỗ trợ và là chất xúc tác cho cả quá trình đó. Trước đây, ngân hàng đơn thương độc mã xử lý món nợ xấu của mình, đơn cử có trường hợp 5 ngân hàng cùng chung một con nợ, phải cắt cử người ngồi trông kho tài sản đảm bảo. Nhưng nay chúng tôi tham gia cùng ngân hàng và doanh nghiệp tái cơ cấu khoản nợ, tìm phương án giúp doanh nghiệp ổn định trở lại và phát triển”.
Hiện tại, VAMC đã có khách hàng đầu tiên là Agribank bán 27 món nợ xấu của 11 khách hàng doanh nghiệp và trong tuần này sẽ ký kết mua nợ với SCB, SHB, PGBank. Dự kiến trong tháng 10 này, VAMC sẽ mua nợ từ các tổ chức tín dụng với giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng bằng trái phiếu đặc biệt.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, thời gian đầu các tổ chức tín dụng khá e ngại khi phải mua bán nợ xấu với VAMC. Bởi lúc đó họ chưa hiểu rõ quy định và cơ chế mua bán nợ. Họ cũng không rõ khi bán nợ sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro thế nào, rồi bán nợ xong thì được vay tái cấp vốn với tỷ lệ bao nhiêu, việc bán nợ đó ảnh hưởng thế nào tới tình hình tài chính của ngân hàng.
Nhưng sau khi có cơ chế rõ ràng, được giải đáp thoả đáng, họ đã nhiệt tình hơn. Ngân hàng Nhà nước và VAMC đã tổ chức hai hội nghị tại TP HCM và Hà Nội để quán triệt tinh thần triển khai Nghị định 53 của Chính phủ và các Thông tư 19, 20 hướng dẫn mua bán nợ xấu. Ngay sau hội nghị tại TP HCM, 5 tổ chức tín dụng đăng ký làm việc với VAMC với tinh thần hợp tác. Sau hội nghị tại Hà Nội cũng vậy, các đơn vị đến tận trụ sở VAMC để tìm hiểu và bày tỏ mong muốn bán nợ. Đến nay có hơn 10 tổ chức tín dụng đặt vấn đề bán nợ cho VAMC và điều đáng mừng là 4 đơn vị trong số này có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Được biết, khoản nợ xấu khi ngân hàng bán cho VAMC sẽ được đưa ra phần ngoại bảng để theo dõi mà không phải trích lập ngay lập tức 100% dự phòng rủi ro, thay vào đó sẽ chia đều cho 5 năm, tối thiểu mỗi năm 20%. Ngân hàng còn được sử dụng trái phiếu đặc biệt để đến Ngân hàng Nhà nước vay tái cấp vốn với tỷ lệ tới 70% giá trị trái phiếu. Doanh nghiệp cũng được lợi vì khi VAMC mua nợ xấu, ngân hàng sẽ có quyền cho vay trở lại nếu dự án của doanh nghiệp khả thi, hiệu quả.
Và để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ cho áp dụng mức lãi suất trái phiếu hợp lý, tối thiểu 2%/năm, thay vì mặt bằng lãi suất vay tái cấp vốn hiện nay khoảng 7%/năm.
Theo đại diện của VAMC, với rất nhiều hồ sơ mà các tổ chức gửi đến, trước hết, VAMC sẽ ưu tiên cho 3 đối tượng: ngân hàng thương mại vốn nhà nước, các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu và các ngân hàng có nợ xấu trên 3%. Và với 3 đối tượng này, VAMC cũng ưu tiên để mua các khoản nợ đã hội đủ tiêu chí và sẵn sàng bán được ngay. Dù vậy, các khoản nợ xấu dưới 3% của các tổ chức tín dụng cũng sẽ được xem xét, nhưng mất nhiều thời gian hơn để VAMC sàng lọc hồ sơ.
Theo Dantri