Sự gia tăng nhanh chóng của các mô hình kinh doanh bán lẻ có tổ chức quy mô sẽ có tác động sâu sắc đến cuộc sống đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và sẽ đẩy nhanh sự thay đổi này để bắt nhịp với nền kinh tế thị trường quốc tế.
Sự gia tăng nhanh chóng của các mô hình kinh doanh bán lẻ có tổ chức quy mô sẽ có tác động sâu sắc đến cuộc sống đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và sẽ đẩy nhanh sự thay đổi này để bắt nhịp với nền kinh tế thị trường quốc tế.
Theo đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và thị trường bán lẻ cùng với sự phát triển về đô thị và khu dân cư thì các trung tâm thương mại, siêu thị và đại siêu thị dần trở nên là một phần của nhu cầu tiêu dùng trong cuộc sống của người Việt.
Các trung tâm thương mại lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tăng gấp đôi trong 3 năm qua, đã và đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân từ chợ truyền thống, cửa hiệu trên các tuyến phố và các siêu thị quốc doanh sang các siêu thị hiện đại, trung tâm thương mại, khu mua sắm.
Báo cáo của CBRE tại hội thảo về mặt bằng bán lẻ ngày 12/08 cho biết, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 400.000m2 diện tích bán lẻ hiện đại, trong đó diện tích ở Thành phố Hồ Chí Minh gấp 3 lần ở Hà Nội. Trong 3 năm qua diện tích bán lẻ của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gấp đôi.
Giá thuê diện tích bán lẻ ở những vị trí trong trung thâm thành phố có xu hướng tiếp tục tăng cao trong khi giá thuê ngoài trung tâm gặp khó khăn với sự tăng trưởng của nguồn cung và nhu cầu thuê còn kémở trong vùng ngoại vi thành phố.
Theo CBRE Việt Nam, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội có khoảng 100.000m2. Tổng nguồn cung hiện tại của khu bách hóa tổng hợp là 3.7700m2, trung tâm thương mại khoảng 60.000 m2 và sảnh bán lẻ khoảng 10.300m2.
Giá chào thuê trung bình chưa bao gồm thuế VAT và phí dịch vụ tại các trung tâm thương mại khu vực trung tâm khoảng 55USD/m2/tháng. Khu vực ngoài trung tâm, giá thuê tại các trung tâm thương mại khoảng 38 USD/m2/tháng. Tỷ lệ trống tại các khu vực trung tâm thấp, một số khu vực tại quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trung không còn chỗ.
Còn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 24 trung tâm mua sắm hiện đại với tổng diện tích 317.665 m2, tăng hơn 2 lần so với năm 2007. Tỉ lệ lấp đầy của các trung tâm này lên đến 94,4%.
Giá cho thuê mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm TP.HCM sẽ không ngừng tăng lên, giá cao nhất hiện nay có nơi đã lên đến 250 USD/m2/tháng, trong khi các dự án ở khu vực ngoài trung tâm phải đối mặt với áp lực giảm giá cho thuê.
Giá cho thuê trung bình các vị trí đẹp (mặt bằng tầng trệt, tầng 1) ở các trung tâm mua sắm tại trung tâm thành phố (chủ yếu ở khu vực Q1) nằm trong khoảng 96,6 - 123,8 USD/m2/tháng, thì giá cho thuê trung bình các vị trí đẹp ở những địa điểm nằm ngoài khu trung tâm thành phố (khu vực các quận xa như Q7, Tân Bình, Phú Nhuận…) chỉ khoảng 39,5 - 57,7USD/m2/tháng.
Ông Richard Leech, giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, có 2 xu hướng mới sẽ phát triển trong thị trường mặt bằng bán lẻ sắp tới là nâng cấp chợ truyền thống tạo thành những trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống, và trung tâm thương mại phức hợp bao gồm nhiều loại hình dịch vụ.
Đối với mô hình chợ truyền thống kế hợp trung tâm thương mại sẽ tận dụng được lợi thế vị trí đắc địa tại những khu vực trung tâm thành phố. Cách này sẽ giúp tăng tỉ lệ doanh thu trên diện tích rất nhanh, vì chợ vốn đã có vị trí đắc địa, có sẵn lượng khách mua sắm đông đảo, khi kết hợp thêm mô hình trung tâm thương mại sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng có thu nhập cao.
Đối tượng khách hàng cũng sẽ phong phú thêm. Chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân có mức thu nhập trung bình. Còn trung tâm thương mại sẽ phục vụ những khách hàng có thu nhập cao hơn. Đây cũng là sự tái sinh của chợ truyền thống, mô hình bán lẻ kết hợp với trung tâm thương mại sẽ tạo điều kiện cho kinh doanh tốt hơn.
Mặc dù vậy, ông Richard Leech cũng nhấn mạnh cần có sự quản lý tốt các ngành hàng kinh doanh tại mô hình chợ truyền thống kết hợp với trung tâm thương mại.
Một xu hướng cũng được đề cập trong hội thảo là các trung tâm thương mại kết hợp với khu giải trí ẩm thực. Bên cạnh việc mua sắm, khách hàng còn được hưởng nhiều dịch vụ khác như trung tâm chiếu phim, khu vui chơi hay các nhà hàng sang trọng. Ngòai ra, khi các một bộ phim “bom tấn” của trung tâm chiếu phim ra mắt, sẽ hút khách và tăng doanh thu cho các nhà đầu tư tại trung tâm thương mại.
Đánh giá của CBRE, trong vòng 3 năm tới, diện tích mặt bằng bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh. Đến năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có tổng cộng 1,3 triệu m2 diện tích bán lẻ và Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu m2.
Theo ông Richard Leech, để tạo thành công cho sự phát triển của các trung tâm thương mại, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cần lưu ý đến rất nhiều yếu tố để đạt được thành công như: quy hoạch tổng thể, các trung tâm thương mại sẽ có những thiết kế khác nhau để tạo sự cạnh tranh; chiến lược cho thuê tiếp thị; quản lý điều hành trung tâm bán lẻ, khuyến mại và dịch vụ. Ngoài ra, điều kiện bàn giao đúng thời hạn cũng là một yếu tố quan trọng.
Thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới cả về doanh thu và số lượng. Việc các nhà bán lẻ quốc tế tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho thấy, tiềm năng của thị trường này tiếp còn rất lớn, nhu cầu mặt bằng bán lẻ sẽ bùng nổ trong thời gian tới đây.
Duy Khánh