Động đất và sóng thần ở Nhật Bản đã phá huỷ các khu công nghiệp và hải
cảng quan trọng trên bờ phía Đông khiến nhu cầu xây dựng lại của nước
này sẽ tăng lên.
Động đất và sóng thần ở Nhật Bản đã phá huỷ các khu công nghiệp và hải cảng quan trọng trên bờ phía Đông khiến nhu cầu xây dựng lại của nước này sẽ tăng lên.
Sumitomo Metal Industries Limited, hãng thép lớn thứ ba Nhật Bản, cho biết sản xuất trong nhà máy chính ở Ibaraki phải còn khá lâu nữa mới có thể hoạt động trở lại. Các nhà sản xuất VLXD khác của Nhật cũng trong tình trạng tương tự bởi Nhật đang khan hiếm năng lượng sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân.
Theo Hiệp hội Thép Quốc tế, năm 2010 Nhật Bản sản xuất 109.6 triệu tấn thép thô, đứng hàng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, nước sản xuất 626.7 triệu tấn, hơn gấp 6 lần Nhật Bản. Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu điện sản xuất tại Nhật, các nhà máy thép trên toàn cầu đã đua nhau nâng công suất để chiếm thị phần, đồng thời có tham vọng xuất khẩu vào Nhật trong một thời điểm chính bản thân cường quốc thép này đang cần thép. Ngoài ra Nhật Bản còn có nhiều nhu cầu rất cao khác về VLXD, đặc biệt là các sản phẩm gốm sứ cao cấp và đồ nội thất.
Lúc này, không ít DN Việt Nam bắt đầu chiến dịch đưa hàng sang Nhật. Đại diện Cty CP Hoàng Hà với sản phẩm thương hiệu nội thất U Vision cho hay, các đầu mối tiếp cận với thị trường xây dựng Nhật đang mở hết tốc lực làm việc, một số đơn hàng đã bước đầu ký hợp đồng ghi nhớ và đang thảo luận về giá cả, tiêu chí kỹ thuật. Cũng theo vị đại diện này, sở dĩ U Vision vượt mặt được các anh hào khác là nhờ có một nền tảng công nghệ sản xuất đồ gỗ nội thất được đầu tư bởi hãng HOMAG nổi tiếng của CHLB Đức nên chất lượng cũng như năng suất, kiểu dáng sản phẩm đều đạt tiêu chí cao, đáp ứng được thị trường Nhật vốn nổi tiếng kỹ tính.
Còn Cty Secoin chuyên về sản xuất vật liệu không nung, mới đây tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ngói màu sang Nhật Bản. Ông Đinh Hồng Kỳ - Tổng giám đốc của Secoin cho biết: “Đây thực sự là một bước tiến mới không chỉ với Secoin mà còn với tất cả ngành sản xuất VLXD tại Việt Nam. Trước kia, chưa ai nghĩ rằng ngói màu Việt Nam lại có thể xuất sang được thị trường Nhật Bản vốn khắc nghiệt và đã quá phong phú về sản phẩm gạch terrazzo. Các DN Việt Nam cần biết rằng, cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật đang mở ra rất lớn”.
Ông Kỳ cũng cho hay, Secoin đã và đang gặp khó khăn khi thị trường trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi, còn thị trường Nhật sau động đất và sóng thần lại đang cần những dòng sản phẩm VLXD thực sự đạt tiêu chí chất lượng cao.
Tuy nhiên, một thương gia hoạt động lâu năm trong ngành xuất khẩu đưa ra cảnh báo: “Với thị trường Nhật, đừng bao giờ nghĩ rằng họ sẽ dễ dãi hạ tiêu chí chất lượng cũng như tiêu chí niềm tin trong thời điểm này”. Do đó các DN VLXD đang nuôi tham vọng xuất khẩu sang Nhật cần ghi nhớ điều này và có sự đầu tư thích đáng về công nghệ cũng như kiểu dáng sản phẩm mới lạ, tính tiện dụng cao để chắp cánh cho sản phẩm của mình những cơ hội vươn tới các thị trường thực sự đẳng cấp.
(Theo Baoxaydung)