Tổng mức đầu tư trên là cho giai đoạn 1 xây dựng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây 2007-2010. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ dài 55 km, rộng 120-140 m và tốc độ xe chạy đạt 120 km mỗi giờ.
Tổng mức đầu tư trên là cho giai đoạn 1 xây dựng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây 2007-2010. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ dài 55 km, rộng 120-140 m và tốc độ xe chạy đạt 120 km mỗi giờ.
Tại cuộc họp chiều 18/9, ông Trần Xuân Sanh, Tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết, nguồn vốn 9.800 tỷ đồng được vay từ các ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC, do quản lý quy hoạch, xây dựng sai sót nên việc triển khai dự án trên sẽ lấn vào đất của một số chủ đầu tư ở quận 9. "Nhưng tuyến cao tốc này cực kỳ quan trọng đối với TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nên TP HCM sẽ tích cực gỡ vướng để công trình sớm xây dựng", ông Phượng nói.
Tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có điểm đầu là giao lộ Đại lộ Đông - Tây và đường Lương Định Của, quận 2 đi qua quận 9, TP HCM; vượt sông Đồng Nai bằng cầu Long Thành (cách cầu Nhơn Trạch khoảng 7 km về phía thương lưu); đi qua các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Thống Nhất của tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tuyến cao tốc sẽ nối vào quốc lộ 1A tại vị trí cách ngã ba Dầu Giây hiện hữu 2,7 km theo hướng đi ra Hà Nội.
Tuyến cao tốc này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường bộ cho TP HCM, Đồng Nai, Bình Dường, Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn kết nối TP HCM với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai. Trong lộ giới 140 m của tuyến cao tốc còn có tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Nha Trang và tuyến xe điện trên cao TP HCM - sân bay Long Thành chạy song song.
(Theo VnExpress)