Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định không đặt Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì đồng thời bảo lưu quan điểm cần có trục giao thông Hồ Tây – Ba Vì.
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định không đặt Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì đồng thời bảo lưu quan điểm cần có trục giao thông Hồ Tây – Ba Vì.
Trong văn bản số 6496 /UBND-XD góp ý cho Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng trước đó, UBND TP Hà Nội cho rằng cần khẳng định Ba Đình hiện tại cũng như lâu dài vẫn là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia và kiến nghị không nên đặt Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì. Do vậy, việc xây trục Hồ Tây - Ba Vì không còn ý nghĩa về công năng và kinh tế - chính trị -xã hội.
Trong điều kiện kinh tế của quốc gia nói chung và Hà Nội hiện nay, cần phải huy động nguồn kinh phí để đầu tư phát triển đồng thời nhiều công trình trọng điểm thiết thực khác của Thủ đô thì khả năng tài chính và nguồn lực thực hiện cần được cân nhắc thận trọng.
Không còn đặt Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì
Cho biết quan điểm của Bộ Xây dựng về 2 vấn đề được Hà Nội góp ý và dư luận đặc biệt quan tâm là “khẳng định Ba Đình là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia và có xây dựng trục giao thông Hồ Tây - Ba Vì hay không" trong buổi họp báo ngày 23/8, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, từ ngày 15/6/2010 (ngày Quốc hội thảo luận về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô) đã không còn nhắc tới khái niệm đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì nữa và Ba Đình tiếp tục được khẳng định là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.
Cũng theo ông Toàn, hiện tại trong Đồ án Quy hoạch không còn Trung tâm hành chính tại Ba Vì. Ba Đình được khẳng định là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Trụ sở các bộ, ngành do không đủ quỹ đất nên không thể xây dựng tập trung. Ngoài ra, cũng cần có quỹ đất dự trữ lâu dài. Có thể trụ sở một số bộ, ngành sẽ nằm gần nhau, tuy nhiên như thế không có nghĩa đó là trung tâm hành chính quốc gia.
Lý giải của Bộ Xây dựng về việc vẫn cần trục giao thông Hồ Tây - Ba Vì
UBND TP Hà Nội đưa ra nhiều quan điểm để khẳng định việc không cần thiết phải xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì. Theo văn bản số 6496 /UBND-XD nêu trên, Hà Nội cho rằng định hướng về giao thông tại khu vực này đã có tới 32 làn xe (đường Láng - Hoà Lạc 10 làn; đường 32 và Tây Thăng Long 12 làn; đường 6 và đường Nam 6 có 10 làn). Ngoài ra, còn có 3 tuyến đường sắt đô thị đảm bảo nhu cầu giao thông giữa trung tâm thành phố với khu vực phía Tây. Do đó, nếu gắn chức năng kết nối giao thông giữa Ba Đình và Ba Vì cho trục Thăng Long thì không còn cần thiết nữa. Đặc biệt, nếu trục Thăng Long được hình thành như tư vấn đề xuất thì việc này không chỉ có nguy cơ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh mà còn tạo cơ hội cho sự ra đời các khu đô thị bám dọc hai bên trục.
Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, Bộ Xây dựng cho rằng vẫn cần có trục giao thông Hồ Tây - Ba Vì.
Theo Bộ Xây dựng, trục đường này có 3 chức năng. Thứ nhất là trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ góp phần giảm tải cho giao thông phía Tây Thủ đô. Thứ hai là bên dưới tuyến đường này là đường ống dẫn nước từ sông Đà về nội đô để cấp nước sạch cho thành phố, hệ thống nước thải, cáp điện ngầm cũng ở dưới tuyến đường này. Thứ ba là tuyến này sẽ tạo một số điểm nhấn là các trung tâm vui chơi, giải trí, văn hóa.
Dọc tuyến Hồ Tây - Ba Vì (có đoạn Vân Canh - đường vành đai 4 lớn nhất, rộng 350 m, dài 3,5 km) có thể xây dựng các công trình văn hóa, giải trí phục vụ nhân dân thủ đô.
Hà Nội liệt kê có 32 làn đường song thực chất chỉ có 28 làn. Trong Đồ án Quy hoạch, khu vực phía Tây được đề xuất hình thành các đô thị Xuân Mai, Hòa Lạc, Sơn Tây với số dân lên tới 1 triệu người. Vì vậy, trục giao thông Hồ Tây - Ba Vì được xây dựng để giảm tải cho những tuyến giao thông hiện có.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cũng khẳng định, việc hình thành trục giao thông này không phục vụ cho nhóm lợi ích nào. Theo ông Toàn, thậm chí một số dự án sẽ bị ảnh hưởng khi trục này đi qua. Ví dụ, dự án khu đô thị Vân Canh của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) có thể bị mất tới 9 ha hoặc dự án nhỏ hơn như Kim Chung – Di Trạch cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Toàn, nói rằng trục đường này vì lợi ích của nhóm nào đó là không đúng.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, việc có hay không trục đường Hồ Tây - Ba Vì trong Đồ án Quy hoạch sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
(Theo Chinhphu.vn)