Hệ thống công sở hành chính Nhà nước các cấp hiện có nhiều bất cập cả về quy hoạch, quy mô, chất lượng và công tác quản lý, sử dụng. Điều này có thể gây khó khăn trong việc hiện đại hóa công sở để xứng tầm với chức năng đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Hệ thống công sở hành chính Nhà nước các cấp hiện có nhiều bất cập cả về quy hoạch, quy mô, chất lượng và công tác quản lý, sử dụng. Điều này có thể gây khó khăn trong việc hiện đại hóa công sở để xứng tầm với chức năng đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Hệ thống công sở của các Bộ, Ngành hiện nay phần lớn được tiếp quản và xây dựng từ những năm 50-60 với quy mô nhỏ, tiêu chuẩn thiết kế thấp, hình dáng kiến trúc đơn giản nên còn nhiều hạn chế. Trong số 25 Bộ, Ngành, mới có 17 sử dụng nhà cấp 1. 8 Bộ, Ngành sử dụng nhà cấp 2, 3. Ngoài ra, trong công sở chính của các Bộ, Ngành vẫn còn tồn tại tới gần 400 nhà cấp 4. Bộ máy tổ chức luôn thay đổi kéo theo tình trạng thiếu diện tích làm việc và cách bố trí sử dụng theo dây chuyền làm việc còn nhiều bất hợp lý. Không đảm bảo về quy mô, diện tích dẫn đến mật độ xây dựng tại các công sở chính của các Bộ, Ngành rất cao. Diện tích làm việc hiện nay của cấp thứ trưởng, cấp vụ và chuyên viên so với tiêu chuẩn đều chưa đảm bảo.
Dù diện tích làm việc bình quân của cán bộ cao cấp còn thiếu nhưng tình trạng bố trí diện tích cho các đơn vị không thuộc khối quản lý nhà nước như các đơn vị sự nghiệp có thu, các ban quản lý dự án, doanh nghiệp làm việc và nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức trong công sở chính còn phổ biến. Để đáp ứng nhu cầu tăng diện tích làm việc, các công sở thường phải xây dựng bổ sung, xây chen làm ảnh hưởng đến quy mô, cảnh quan, kiến trúc chung.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Nhà nước chưa có quy hoạch hệ thống công sở, chưa xây dựng được mô hình nhà công sở thống nhất và thiếu các biện pháp chỉ đạo thực hiện. Hầu hết các Bộ, Ngành chưa có hệ thống theo dõi, cập nhật những biến động về chất lượng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài nhà công sở. Công tác quản lý nhà công sở đều do văn phòng đảm trách. Đến nay chưa có Bộ, Ngành nào xây dựng quy chế quản lý sử dụng nhà công sở theo đúng nội dung yêu cầu, đặc biệt là không thực hiện được quy định về công tác duy tu bảo dưỡng nhà và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Nhà công sở cấp tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương và của các sở, ban, ngành thuộc cấp tỉnh cũng có nhiều tồn tại. Nhìn chung, diện tích khuôn viên đất của một số công sở cấp này còn thấp, mật độ xây dựng cao nên khó đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa công sở trong tương lai. Diện tích công sở dành cho các bộ phận công cộng và kỹ thuật, phụ trợ và phục vụ chưa đảm bảo cho hoạt động và chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh.
Nội dung quản lý lại thường tập trung vào việc sửa chữa những hư hỏng của nhà và trật tự trị an mà ít chú trọng tới theo dõi, cập nhật những biến động về chất lượng nhà, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Công tác bảo trì chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định về quy trình, chế độ và thời gian bảo trì theo cấp công trình, thường thì chỉ khi nào công trình xuống cấp hoặc có hư hỏng mới tiến hành lập kế hoạch sửa chữa. Công sở cấp huyện, xã phần nào đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập về tiêu chuẩn, định mức diện tích làm việc và trang thiết bị phục vụ làm việc hiện nay.
Phần lớn nhà công sở cấp huyện được xây dựng từ những năm 70 (trước khi ban hành tiêu chuẩn thiết kế) nên chưa đảm bảo theo TCVN 4601-88. Số lượng nhà cấp I còn rất ít, (khoảng 45%, trong khi nhà cấp II, cấp III, cấp IV chiếm tới 51,4%). Nguồn vốn đầu tư cho hệ thống công sở cấp xã thì chủ yếu dựa vào quỹ công ích do dân đóng góp và hỗ trợ của cơ quan cấp trên, chưa có sự hướng dẫn về công tác quy hoạch, thiết kế kiến trúc và dây chuyền làm việc chung của hệ thống nhà công sở.
Quy mô, chất lượng, dây chuyền làm việc của cán bộ, công chức làm công tác đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và cán bộ làm công tác chuyên môn trong nhà công sở còn bất hợp lý và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan hành chính cấp xã. Hầu hết công sở cấp xã thiếu diện tích làm việc, diện tích các bộ phận công cộng, kỹ thuật và phục vụ, phụ trợ, các trang thiết bị làm việc như bàn, ghế, tủ đựng hồ sơ còn thiếu và tạm bợ, chất lượng, quy cách không đảm bảo.
Từ nay đến 2020 trong số 32 Bộ, Ngành đã báo cáo, có 16 cần phải thực hiện các giải pháp để hiện đại hóa công sở tại chỗ và 16 phải nghiên cứu để có kế hoạch đầu tư xây dựng tại địa điểm mới theo quy hoạch. Trong số các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, có 29 công sở HĐND - UBND cần phải nghiên cứu để có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp để hiện đại hóa công sở tại chỗ và 7 công sở HĐND - UBND cần đầu tư xây dựng tại địa điểm mới theo quy hoạch. Trong 225 Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, thành phố có 185 công sở cần cải tạo, nâng cấp để hiện đại hóa công sở tại chỗ và 40 công sở HĐND - UBND đầu tư xây dựng tại địa điểm mới theo quy hoạch.
Trong 103 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh thì có tới 100 công sở cần cải tạo, nâng cấp để hiện đại hóa công sở tại chỗ và 3 công sở đầu tư xây dựng tại địa điểm mới theo quy hoạch. 1.388 trên tổng số 1.402 xã, phường, thị trấn có công sở cần cải tạo, nâng cấp để hiện đại hóa công sở tại chỗ và 14 nơi còn lại cần đầu tư xây dựng tại địa điểm mới theo quy hoạch do chưa có công sở.
(Theo TBKTVN)