Đã được TP Hà Nội xếp vào dạng nguy hiểm cấp D (bắt buộc phải di dời), thế nhưng tại sao 29 hộ dân đang sinh sống tại đây vẫn "cố thủ" ở lại bất chấp nguy hiểm?
Tiếp cận sự việc, PV nhận được nhiều ý kiến từ phía các hộ dân đang sinh sống ở đây cho rằng ngay cả đến cái xếp hạng "cấp D" cho khu nhà này cũng có nhiều vấn đề cần xem xét lại.
Vẫn "cố thủ" dù nhà nghiêng
Để tìm hiểu thực trạng xuống cấp, PV đã có mặt tại khu nhà P16A Thụy Khuê để "mục sở thị". Quanh khu nhà là hàng loạt vết nứt lớn nhỏ, có những điểm đã được vá lại tạm. Thậm chí ngay ở hành lang tầng 2, một vết nứt cắt ngang qua mái gây thấm nước, người dân ở đây đã phải "sáng tạo" chống dột bằng cách làm máng tôn dọc theo vết nứt hứng bên dưới treo lủng lẳng ngay trên lối đi. Các vết nứt nhỏ dọc theo các dầm nhiều vô kể. Bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy ngôi nhà nghiêng về phía đằng sau hướng Tây. Để cho PV biết rõ hơn tình trạng lún nghiêng, bác Đỗ Kim Hải, ở tầng 2 đã đưa PV vào nhà để làm một "thí nghiệm" nho nhỏ. Bác Hải lấy một quả bóng đồ chơi của trẻ con đặt ở cuối nhà. Vừa thả tay ra, ngay lập tức quả bóng lăn khá nhanh ra phía cửa nhà ở hướng Tây, giáp với một dự án đang xây dựng. Từ đó có thể khẳng định độ dốc là khá lớn. Bác Hải cho biết, thấy nói là khu nhà nghiêng 18 độ nhưng chẳng ai biết chính xác là bao nhiêu.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay của ngôi nhà, những người dân sinh sống ở đây cho biết, khoảng tháng 8/2012, dự án cao ốc quốc tế Hồ Tây đào móng thi công công trình thì khu nhà bắt đầu có các hiện tượng sụt lún, nứt tường và sau đó là nghiêng hẳn về phía đất đang làm dự án. Nguyên nhân khiến khu nhà xuống cấp đã được Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây thuê một đơn vị kiểm định khảo sát xác định nguyên nhân, trong các nguyên nhân có nguyên nhân từ việc thi công dự án cao ốc. Công ty này cũng đã thừa nhận và tiến hành thương thảo với các hộ dân về phương án đền bù. Trong quá trình đàm phán đền bù đã có 13/29 hộ dân dời đi thuê nhà nơi khác để ở bằng số tiền thuê lại nhà cũ của chủ đầu tư với mức giá 200.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên sau 6 tháng, 13 hộ dân này đã lại lục tục trở lại khu nhà P16A Thụy Khuê này tiếp tục sinh sống. Từ đó đến nay, phương án đền bù vẫn rơi vào bế tắc, và người dân tiếp tục sống trong khu nhà xuống cấp bất chấp mọi nguy hiểm.
Tại sao dân không đồng thuận?
Cũng được TP Hà Nội xếp vào hạng chung cư cũ cấp độ D, nhưng khu nhà P16A Thụy Khuê lại mang một sắc thái hoàn toàn khác so với phần còn lại. Theo tìm hiểu, các hộ dân khu nhà này được mua lại nhà theo Nghị định 61 từ năm 2006 đến 2009. Đến nay tất cả đều đã được cấp sổ đỏ. Trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở ghi rất rõ: cấp hạng nhà ở là cấp II; thời hạn được sở hữu là lâu dài. Bác Đỗ Kim Hải, nhà ở tầng 2 bức xúc: "Trước khi bán nhà cho chúng tôi, TP Hà Nội đã phải khảo sát cụ thể hiện trạng khu nhà. Năm 2009 chúng tôi mới được cấp sổ đỏ, vậy mà chỉ vài ba năm sau khu nhà này lại bị xếp vào loại cấp độ D, cấp độ bắt buộc phải di dời. Chẳng lẽ TP Hà Nội lại bán nhà xuống cấp cho dân? Trong khi đó, nguyên nhân từ việc thi công dự án cao ốc quốc tế Hồ Tây đã rõ rành rành, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chẳng thấy ai đả động đến việc ai là người phải chịu trách nhiệm, mà toàn thấy việc bắt người dân phải dời đi. Rõ ràng "cấp D" của nhà chúng tôi có quá nhiều uẩn khúc".
Tìm hiểu các vấn đề có liên quan, dự án cao ốc quốc tế Hồ Tây được triển khai xây móng từ trước đây rất lâu. Đến năm 2010, Công ty Liên doanh cao ốc quốc tế Hồ Tây tiến hành phá móng cũ để triển khai xây dựng dự án. Ngày 18/1/2012, dự án này được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, quá trình đào, phá móng cũ khiến tập thể P16A Thụy Khuê bị lún, nứt, nghiêng nên đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía các hộ dân đang sinh sống ở khu nhà này. Tháng 12/2012, Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây gửi một thông báo đến 29 hộ dân về việc khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể. Do đó công ty này sẽ thuê lại nhà của các hộ dân với mức giá 200.000 đồng/m2/tháng, đồng thời các hộ dân phải di dời. Sau ngày 31/12/2012, hộ nào không di dời sẽ tự chịu trách nhiệm về tính mạng và tài sản của mình. Trong thông báo này, Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây cũng hứa sẽ bồi thường như một lời thừa nhận nguyên nhân gây ra tình trạng xuống cấp cho khu nhà. Ông Phan Văn Nhuệ, cư dân khu nhà này bức xúc: “Công ty này không thể thay mặt cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu dân di dời đi được. Việc này nếu có phải là việc của UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ. Điều này là quá phi lý”.
Ngay sau thông báo đó của Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, ngày 21/12/2012, cư dân lại nhận được thông báo của UBND quận Tây Hồ và UBND phường Thụy Khuê về việc người dân phải di dời thời hạn xong trước ngày 5/1/2013. “Các văn bản chỉ toàn nói đến việc di dời người dân và lên phương án phá dỡ khu nhà Chẳng có bất kỳ một văn bản nào đưa ra phương án đền bù, hỗ trợ người dân, tái định cư cho dân ở đâu. Trong khi đó đây là nhà chúng tôi phải bỏ tiền ra mua lại của Nhà nước, đã được cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu thì làm sao chúng tôi có thể dời đi được”, bà Nguyễn Thị Thoa, cư dân tầng 2 khu nhà bức xúc.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thừa nhận sự việc trên đã kéo dài từ lâu do người dân và Công ty cao ốc quốc tế Hồ Tây chưa thỏa thuận được việc đền bù. Ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, UBND quận Tây Hồ đang tiến hành thuê một đơn vị kiểm định độc lập để khảo sát đánh giá lại chính xác nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là do Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm. Không có chuyện Nhà nước sẽ bỏ ra một khoản tiền lớn để đền bù, tái định cư mà nguyên nhân là do đơn vị này gây ra.
Như vậy, đến thời điểm này các cơ quan chức năng mới đang tiến hành xác định lại nguyên nhân và xem xét lại thứ hạng “cấp D” của ngôi nhà. Phải chăng thời gian qua, các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã quá “nhiệt tình” trong việc di dời người dân bằng hàng loạt văn bản yêu cầu từ cấp TP xuống đến cấp quận, cấp phường mà không quyết liệt vào cuộc xác định rõ nguyên nhân để có hướng xử lý cụ thể và quy trách nhiệm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc cho người dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Theo CAND