Bản thân golf không có lỗi. Chỉ có cách thức hình thành các sân golf và cách chơi, người chơi mới thực sự đáng quan tâm.
Bản thân golf không có lỗi. Chỉ có cách thức hình thành các sân golf và cách chơi, người chơi mới thực sự đáng quan tâm.
Golf là một môn thể thao đích thực. Nhiều người khẳng định như thế. Điều đó cũng thể hiện qua việc ngày càng nhiều các giải đấu golf chuyên nghiệp quốc tế và khu vực được tổ chức. Ngay cả tại SEA Game 25, Việt Nam cũng đã có đội tuyển thi đấu bộ môn này.
Nếu đã được xem là bộ môn thể thao đích thực thì phải tạo mọi điều kiện để cho nó phát triển, để cho ngày càng nhiều người được tiếp cận, luyện tập, thi đấu... xem ra mới hợp lẽ. Ấy vậy mà môn thể thao này lại vừa bị Bộ trưởng Đinh La Thăng ra lệnh cấm, không cho cán bộ, viên chức của bộ GTVT tham gia, kể cả ngày nghỉ. Tại sao lại có một quyết định "đi ngược xu hướng phát triển" đến vậy?
Không bàn đến khía cạnh pháp lý của lệnh cấm đó vì đã được nói nhiều và sẽ do các cơ quan chức năng liên quan xem xét, quyết định. Tuy nhiên, bản thân lệnh cấm này cũng đã nói lên nhiều điều mà không phải ai cũng biết. Hoặc nếu biết rồi thì cũng chưa được xem xét một cách thấu đáo và hợp lý.
Đã có một thời, tennis được xem là môn thể thao quý tộc. Nói quý tộc vì những chi phí quá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân. Khi ấy, chỉ có một bộ phận rất nhỏ những người có thu nhập cao mới đủ tự tin bước vào sân với đủ các loại chi phí như thuê sân, thuê người lượm banh, thuê huấn luyện viên ... và rất nhiều dịch vụ khác. Nhưng rất nhanh, tennis giờ không còn là quý tộc nữa vì nhiều người với thu nhập trung bình cũng có thể tham gia. Giờ đây, nó đã là một môn thể thao phổ biến.
Rồi golf du nhập vào Việt Nam, với sự phát triển ồ ạt về số lượng sân golf trên khắp đất nước, mỹ từ "quý tộc" lại được gán cho bộ môn này. Đúng như thế, hiện nay số lượng, đối tượng người có đủ khả năng trang trải các chi phí để được "ra sân" là không nhiều, thường chỉ là giới doanh nhân thành đạt và quan chức. Và chắc chắn đến một lúc nào đó, vị trí "quý tộc" sẽ nhường cho một loại hình giải trí, một môn thể thao khác mới hơn, đắt tiền hơn như mộ quy luật tự nhiên của sự phát triển. Do đó, việc xã hội chấp nhận nó cũng sẽ là đương nhiên, dù có bao nhiêu lệnh cấm được ban hành. Đó là quy luật mà ai cũng nhận ra, nhất là đối với những người lãnh đạo.
Công bằng mà nói, nếu đối tượng của lệnh cấm ấy không phải là golf mà là một đối tượng khác bất kỳ thì sự việc có lẽ không ầm ĩ đến vậy.
Theo lý giải của Bộ trưởng Đinh La Thăng thì việc chơi golf sẽ tiêu tốn quá nhiều thời gian, công sức của cán bộ quan chức và dễ phát sinh tiêu cực như nạn hối lộ, tham nhũng ... trong khi công việc của ngành giao thông đang quá nhiều lại đang thể hiện một bộ mặt be bét như ùn tắc, tai nạn giao thông, các dự án thi công chậm tiến độ ...
Sở dĩ golf nhận được quá nhiều sự quan tâm của dư luận là vì sự xa hoa trên những sân golf, nơi mà chủ yếu được xây dựng trên những mãnh đất canh tác của người nông dân. Hình ảnh từng đoàn ô tô sang trọng, những dụng cụ đắt tiền, những dịch vụ tốn kém... thực sự quá khác biệt so với cuộc sống của họ. Cũng chính trên những đồng ruộng từ bao đời nay nhưng từ khi có sân golf thì sự phản cảm và bất công bắt đầu xuất hiện.
Rõ ràng, đối tượng chủ yếu của dư luận không nằm ở cái lệnh cấm mà lại chính là golf. Nhưng bản thân golf không có lỗi. Vậy thì chỉ có cách thức hình thành các sân golf và cách chơi, người chơi mới thực sự đáng quan tâm. Khi người chơi hay cách chơi một bộ môn thể thao quý tộc mà chưa thể hiện được văn hóa của người quý tộc thì sự nhố nhăng hay phản cảm xảy ra là điều chắc chắn.
Về nguy cơ tiêu cực hối lộ, tham nhũng. Tất nhiên tại sân golf là nơi lý tưởng để những phi vụ "làm ăn" bất chính có thể xảy ra. Nhưng nếu đã có ý định hối lộ, tham nhũng thì thiết nghĩ cũng chẳng cần tới sân golf để làm gì. Thực tế thì tiêu cực có thể được bắt tay và nảy sinh ở bất kỳ đâu, từ quán nhậu đến công trường hay ở nhà riêng...
Có một thời, những hình ảnh buồn cười từng xảy ra với bộ môn tennis. Nhiều người, trong đó có cán bộ, quan chức cứ đến hẹn lại xách vợt đi, xách vợt về nhưng thực ra đến sân chẳng thể chơi được bao nhiêu, thậm chí không hề động đến cây vợt vì rất khó di chuyển với cái bụng quá khổ. Chỉ có điều, đến sân tennis để thể hiện đẳng cấp. Và giờ đây cũng vậy, chơi golf hay có sự hiện diện trên sân golf đôi khi cũng vì cái đẳng cấp ấy. Nhiều người đến sân golf nhưng liệu thực sự có mấy người chơi được môn thể thao ấy thuần thục?
Tính nghiêm túc của một số công chức ở các nơi trong việc xem xét, tính toán giữa lợi ích chung của người dân ở vùng của mình, nhất là người dân bị mất đất làm sân golf với sự phát triển. Nhiều khi các địa phương chỉ ham muốn có được dự án đầu tư đó nhiều hơn, chưa kể những chuyện tiêu cực bên trong.
Khi bán đất dễ dàng với giá rẻ như vậy không cân nhắc lợi ích hàng nghìn gia đình nông dân bị mất đất.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Thực ra chuyện cấm cán bộ chơi golf suy cho cùng cũng chỉ là một mệnh lệnh cụ thể của riêng Bộ GTVT, tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói "Không có lửa thì làm sao có khói", tức là chuyện cán bộ ngành GTVT nói riêng, tiêu cực, bỏ bê công việc để đi chơi golf là có thực. Và đây cũng sẽ là câu chuyện chung của mọi bộ ngành khác chứ không riêng gì ở bộ GTVT.
Đến giờ này vẫn chưa biết số phận của "lệnh" cấm ấy ra sao và nếu áp dụng thì người ta sẽ thực hiện nó như thế nào nhưng rõ ràng đây là một sự đánh động cần thiết cho những ai đang dùng golf làm phương tiện và dùng sân golf là nơi để thực hiện những hành vi tiêu cực của mình.
Nếu không kịp thời nhìn nhận lại thì không những môn thể thao đích thực bị chính những đối tượng này bôi bẩn mà còn làm tăng thêm sự bất công, sự phản cảm trong xã hội.
Ai cũng có lòng tự trọng. Nếu đã là cán bộ, nhất là những cán bộ cao cấp, thì lòng tự trọng có lẽ cũng cao. Và đây chính là cơ hội tốt, là sự gợi ý đúng lúc để cho lòng tự trọng thực sự lên ngôi. Hãy thử tự soi xét và kiểm tra lại xem có phải lệnh cấm ấy cũng dành cho mình hay không, bởi chẳng ai có thể kiểm soát nỗi những gì xảy ra trên sân golf tốt bằng chính bản thân các vị?
(Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn)