Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hôm qua, đã có hội thảo về sân golf và xây dựng xanh. Những quan điểm tích cực, tiêu cực của các dự án đã được đưa ra. Vấn đề phát triển sân golf là xu hướng tất yếu, nhưng cần phải có quy hoạch tổng thể.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hôm qua, đã có hội thảo về sân golf và xây dựng xanh. Những quan điểm tích cực, tiêu cực của các dự án đã được đưa ra. Vấn đề phát triển sân golf là xu hướng tất yếu, nhưng cần phải có quy hoạch tổng thể.
Việc pháp triển dự án sân golf thường ở các vùng đất nông nghiệp bằng phẳng. Sự chiếm dụng đất nông nghiệp để xây dựng dự án đang là vấn đề bức xúc và không được sự đồng tình ủng hộ của các nhà khoa học, các chuyên gia. Hầu hết các quan điểm cho rằng, cần quy hoạch phát triển các dự án sân golf tại địa điểm đồi dốc, sông hồ… những nơi có giá trị sử dụng đất thấp.
Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Thục – Viện nghiên cứu định cư, cần đưa sân golf vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương, điều này tránh cho việc lấy quĩ đất nông nghiệp màu mỡ và tận dụng được những khu vực bỏ hoang và khó khai thác.
Theo TS. Nguyễn Đức Truyền – Viện Xã hội học, sự phát triển sân golf và quy hoạch đô thị hiện đang là vấn đề đựơc quan tâm trên các phương tiện truyền thông và trong các hội thảo khoa học. Những người quan tâm đến sự phát triển bền vững của đất nước lo ngại rằng sự phát triển ồ ạt các sân golf trên cả nước là dấu hiệu của một xu hướng đô thị hoá không chú ý đến quy hoạch đô thị tất yếu sẽ dẫn đến việc sử dụng đất đai không hợp lý, lãng phí tài nguyên (đất nông nghiệp) và gây khó khăn cho chính sự phát triển lâu dài của đô thị và của đất nước.
Ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, cần có định hướng trong quy hoạch tổng thể xây dựng sân golf, chứ không thể phát triển ồ ạt như hiện nay. Cần phải rà soát lại các dự án sân golf để xây dựng cho phù hợp với tấc độ phát triển kinh tế, cần xây dựng mỗi tỉnh bao nhiêu sân golf thì phù hợp. Tránh tình trạng, chủ đầu tư xin cấp phép đầu tư nhưng lại lợi dụng đất xây dựng sân golf để đầu tư các công trình “ăn theo” khác như biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng,…
Báo cáo của GS. Tôn Gia Huyên – Hội Khoa học đất Việt Nam chỉ rõ, nước ta có khoảng 144 dự án có mục tiêu kinh doanh sân Golf, thuộc 38 tỉnh, thành phố đã được cấp phép hoặc có chủ trương cấp phép. Từ năm 2006 -2008 đã có thêm 106 dự án, tăng 13 lần so với 16 năm trước cộng lại. Tính cả 144 dự án thì cần phải bố trí 44.584ha đất , thực trạng đã có 76 dự án đã và đang triển khai với tổng diện tích đất 23.832ha, trong đó có 9.847ha đất nông nghiệp với 1.847ha đất trồng lúa.
Không ai có thể phủ nhận được lợi ích mà sân golf đem lại như là một môn thể thao nâng cao sức khỏe, thu hút du lịch nhằm kích thích kinh tế dịch vụ phát triển, thu hút đầu tư FDI, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, đằng sau đó là hàng loạt các vấn đề tác động đến môi trường, đến việc sử dụng đất,…
Chính vì thế, các nhà khoa học kiến nghị cần phải có quy hoạch rõ ràng từng địa điểm xây dựng sân golf, nên chú trọng đầu tư vào những nơi gò đồi, đất hoang hóa, bờ sông, hồ, vùng đất cát,…có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng hiệu quả sử dụng đất vào lĩnh vực khác thấp, tránh tình trạng lấy đất nông nghiệp màu mỡ để phát triển sân golf.
Đăng Sơn