Đang là thời điểm nhà nhà, người người lo kế sách để khắc phục giao thông chứ chẳng riêng gì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Có lẽ để đạt được giải pháp như mong muốn, chúng ta phải cần một "hội nghị Diên Hồng" về giao thông!
Đang là thời điểm nhà nhà, người người lo kế sách để khắc phục giao thông chứ chẳng riêng gì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Có lẽ để đạt được giải pháp như mong muốn, chúng ta phải cần một "hội nghị Diên Hồng" về giao thông!
Vấn đề giao thông ở Việt Nam đặc biệt tại hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang đặc biệt nóng. Dường như đang là thời điểm nhà nhà, người người lo kế sách để khắc phục giao thông chứ chẳng riêng gì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Bằng chứng rõ ràng là từ một người dân bình thường, đến cả nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cũng hiến kế để khắc phục bài toán giao thông. Tại nghị trường quốc hội, các đại biểu cũng thể hiện sự quan tâm của mình cho giao thông. Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ rằng đất giao thông không hề có trong quy hoạch; rồi giao thông thiếu đất, sân golf đất thừa…
Thậm chí đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) còn dẫn chứng: “Hiện tại ở Thủ đô Hà Nội 7 quận nội thành có diện tích là 83 km vuông nhưng diện tích đường giao thông chỉ có 5.2 km vuông, tỷ lệ chỉ có 6,18%. Tại TPHCM, các quận vùng Sài Gòn, Chợ Lớn diện tích đường chỉ có 7.8%, các quận mới, thậm chí có những quận là 0.2%, quận lớn nhất là 2.8% đất dành cho giao thông. Như vậy không thể nào nói đến chuyện cải thiện tình hình giao thông ở hai TP này trong khi quy định là 25%”.
Vấn đề giao thông nóng là chuyện đương nhiên, việc cần làm nhất lúc này là phải chậm lại, bình tĩnh kiểm chứng và sàng lọc các giải pháp để khắc phục mới có thể có cách giải quyết hợp lý, hợp tình.
Giao thông là bộ mặt sống động của đô thị
Bản chất của giao thông là để phục vụ cho đô thị, cho cuộc sống của con người và thể hiện bộ mặt của đô thị. Trong bất cứ quy hoạch đô thị nào, nhà quản lý cũng có những chú tâm nhất định cho vấn đề giao thông. Sẽ không có ai vẽ ra đồ án quy hoạch mà không có đường đi lại lưu thông. Bởi như vậy sẽ không khác gì một người tự chặt đi đôi chân của mình để không phải đi lại. Nhà quản lý cũng đều cho phép hình thành các khu đô thị trên những vùng đã có những tuyến giao thông chỉ chờ khớp nối lại với nhau.
Trong đồ án Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 7/2011, phần quy hoạch giao thông rất kỹ lưỡng. Nếu thực hiện đúng quy hoạch về giao thông, khớp nối hạ tầng giao thông ở nội đô và nội khu, vấn đề giao thông sẽ được giải quyết kha khá. Việc khó của nhà quản lý để khắc phục sự cố giao thông bây giờ là phải khắc phục trên cái đang tồn tại. Bởi, chúng ta không thể đập các công trình, tòa nhà khác đi để làm lại toàn bộ hệ thống đường.
Nếu chúng ta chắc chắn 100% về chức năng đô thị như hiện tại của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mới có thể tính toán đến việc xử lý triệt để vấn đề giao thông.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đô thị chia sẻ, chúng ta vẫn có thể khắc phục được tình trạng giao thông của Hà Nội trên nền quy hoạch đô thị hiện tại, dù quy hoạch Hà Nội đang chắp vá một cách đáng thương. Theo chuyên gia này, điều đầu tiên chúng ta cần làm là cố định các không gian chức năng của đô thị, rồi mới tính toán đến giải quyết giao thông. Phải xác định được không gian giao thông rồi mới tính đến đất dành để thực hiện cho giao thông.
“Nếu chúng ta đồng ý tất cả các vị trí chức năng đô thị như hiện tại, sẽ dễ dàng rất nhiều cho người hoạch định giao thông. Bởi, trên thực tế các tuyến đường mở tại các điểm nóng giao thông của các quận, một số khu đô thị đã có trên bản đồ nhưng nhà quản lý chưa thực hiện, vì chưa chắc chắn về chức năng của đô thị mà thôi”, chuyên gia này nói.
Cần quyết sách của... chủ toạ
Có lẽ chưa bao giờ vấn đề giao thông lại được nói đến nhiều như thời điểm này. Nhưng để giải quyết được tận gốc của việc ùn tắc giao thông, không phải chỉ thực hiện các biện pháp phân làn, thay đổi giờ học, giờ làm là xong. Thậm chí, nếu chúng ta xây cầu vượt nhẹ tại một số điểm đang ùn tắc thì cũng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Người dân sẽ vẫn bực dọc về tắc đường và nhà quản lý vẫn đau đầu. Vì sao?
Điều nhìn thấy đầu tiên của hệ thống giao thông ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là do sự đột biến về lưu lượng giao thông. Có điều, việc ùn tắc này lại không tập trung ở toàn bộ các tuyến đường, mà chỉ tập trung ở một số điểm giao cắt.
Theo số liệu khảo sát và tính toán của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng (Tramoc) - Sở GTVT Hà Nội thì hiện nay, có 33.000 người/giờ cùng hướng qua lại sông Hồng bằng cầu Chương Dương và Long Biên; 410.000 người/giờ đang sử dụng tuyến đường Ngã Tư Sở - Hà Đông.
Căn cứ vào số liệu khảo sát và tính toán này cho thấy việc quá tải về giao thông là tại lượng người đi vào trung tâm quá nhiều, lại chỉ đi trên một tuyến. Như vậy, trước khi áp dụng một biện pháp nào đó chúng ta cần xác định được mục đích của việc làm là gì, dùng công cụ gì để thực hiện và hiệu ứng của nó sẽ ra sao? Hiện nay, trong mọi giải pháp được cho là giải quyết tạm thời của ngành giao thông, Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh chỉ tập trung vào công cụ thực hiện: lập tức phân làn, thay đổi giờ làm hay thu thuế xe cá nhân.
Về mặt nguyên tắc quản lý, Bộ Giao thông Vận tải, Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đều có cách làm riêng để mong muốn giải quyết vấn đề chung. Thói quen giao thông của người dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng khác nhau. Chính vì thế, để giải quyết tận gốc vấn đề giao thông, chúng ta nên có một hội nghị sàng lọc ý kiến đóng góp, các giải pháp mong muốn thực hiện cho vấn đề giao thông mà có cả lãnh đạo Bộ, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng tham gia. Ai bảo không thể tổ chức một hội nghị Diên Hồng về giao thông?
(Theo VnMedia)