Hầu hết người dân khi giao dịch về nhà đất đều tin tưởng vào bản hợp đồng được các công chứng viên xác nhận tính chân thực của những giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường hợp ngay cả công chứng viên cũng bị qua mặt.
Hầu hết người dân khi giao dịch về nhà đất đều tin tưởng vào bản hợp đồng được các công chứng viên xác nhận tính chân thực của những giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường hợp ngay cả công chứng viên cũng bị qua mặt.
Bà T.N. (66 tuổi, ngụ đường Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) có đơn gửi cơ quan điều tra Công an Q.1 tố cáo việc mình bán căn nhà đang ở cho cô hàng xóm là Ngũ Cẩm Liên (27 tuổi, ngụ Q.1), nhưng không hiểu sao phải đi rất nhiều lần tới các phòng công chứng, ký giấy bán, ủy quyền hết lần này tới lần khác.
Một căn nhà qua 5 lần công chứng
Theo lời kể của bà T.N., vào tháng 9-2009 bà có ý định bán căn nhà đang ở. Liên là hàng xóm, hỏi mua và hứa sẽ để lại một phòng cho bà ở không tính tiền. Bà T.N. đồng ý bán cho Liên với giá 3 tỉ đồng, nhưng chỉ thỏa thuận miệng chứ chưa làm giấy tờ và giao tiền. Tháng 9-2010, Liên nói cần tiền làm ăn, nhờ bà T.N. ký hồ sơ cầm cố căn nhà để vay tiền.
Tuy nhiên, khi đưa bà T.N. tới văn phòng công chứng Sài Gòn, Liên đã “phù phép” để bà T.N. ký hợp đồng bán căn nhà cùng quyền sử dụng đất cho bà D.C.M. (ngụ Q.11) để Liên nhận tổng cộng 4 tỉ đồng. Về mặt pháp lý, lúc này căn nhà đã thuộc sở hữu của bà M. nhưng bà M. chưa sử dụng mà vẫn để cho bà T.N. ở.
Tiếp sau đó, Liên làm giả bộ sổ hồng cùng các giấy tờ liên quan tới căn nhà, nói với bà T.N. là do bà M. không có tiền trả nên phải bán cho người khác.
Ngày 4-1-2010, Liên dùng bộ hồ sơ giả này đề nghị bà T.N. tới văn phòng công chứng Gia Định làm hợp đồng bán cho ông L.A.D. (ngụ Q.1) và lấy được của ông D. tổng cộng 4 tỉ đồng. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, Liên tiếp tục lừa bà T.N. ký hợp đồng ủy quyền, hợp đồng bán nhà ba lần nữa tại văn phòng công chứng Chợ Lớn, phòng công chứng số 2 và văn phòng công chứng Bến Thành. Toàn bộ những lần công chứng trên, Liên đều sử dụng giấy tờ giả, nhờ bà T.N. ký hoặc Liên tự ký và được các công chứng viên chứng thực. Trong đó, riêng văn phòng công chứng Bến Thành công chứng tới hai lần trong hai ngày liền nhau vào tháng 2-2011. Qua đó, Liên đã chiếm đoạt của nhiều người khoảng 20 tỉ đồng.
Vụ việc chỉ bị phát hiện khi bà T.N. chủ động tố cáo Liên có dấu hiệu lừa đảo và cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ. Trước khi thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo vừa nêu, Liên từng làm giả giấy tờ nhà đất để thế chấp vay mượn tiền của nhiều người, đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.1 khởi tố, cho tại ngoại về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Liên đang bị Cơ quan điều tra Công an TP.HCM bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau khi Liên bị bắt giam, còn nhiều người khác tiếp tục tới cơ quan điều tra tố cáo về hành vi của Liên bằng thủ đoạn tương tự. Theo lời khai của Liên, do thấy làm giả giấy tờ, qua mặt các công chứng viên quá dễ nên đã liên tục làm giả giấy tờ để đi lừa lấy tiền tiêu xài.
Xác nhận trước, làm đơn sau vẫn công chứng
Ngày 25-10-2010, văn phòng công chứng Sài Gòn có công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của một lô đất tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Người đứng tên chủ quyền đất là bà Nguyễn Thị Mỹ (47 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM, là người độc thân, có giấy xác nhận của chính quyền địa phương kèm theo), người nhận chuyển nhượng là ông Đ.N.H. (ngụ Q.3). Ngay sau khi ký hợp đồng tại văn phòng công chứng Sài Gòn, được công chứng viên chứng thực, ông H. giao cho bà Mỹ 250 triệu đồng và sau đó bà này biến mất. Tìm về lô đất vừa mua thì ông H. “tá hỏa” phát hiện đất đó của người khác nên vội vàng trình báo cơ quan điều tra.
Cơ quan điều tra vào cuộc, xác định lô đất này thực chất là của một người dân tại Bình Chánh. Đầu tháng 10-2010, chủ lô đất nộp sổ hồng cho cán bộ địa chính của xã để làm thủ tục đổi sổ. Ngày 19-10-2010, trụ sở UBND xã bị kẻ gian đột nhập, lấy đi nhiều sổ hồng, sổ đỏ trong đó có bộ hồ sơ về lô đất mà sau đó bị làm giả, bán cho ông H.. Về hộ khẩu và CMND bà Mỹ sử dụng cũng được xác định là bị làm giả, địa chỉ ghi trong hộ khẩu ở Q.12 không có người tên Mỹ, số CMND bà Mỹ sử dụng thực chất là của người khác.
Điều đáng nói trong vụ việc này là toàn bộ giấy tờ có liên quan tới hợp đồng chuyển nhượng đều được làm giả, trong đó giấy xác nhận độc thân của bà Mỹ do UBND P.Thạnh Xuân cấp ghi sai về ngày tháng. Đơn xin xác nhận của bà Mỹ ký ngày 20-10-2010, nhưng ngày UBND P.Thạnh Xuân xác nhận lại là 10-9-2010, trước đó hơn một tháng nhưng không bị phát hiện.
Lừa hụt tại văn phòng công chứng
Bà B.T.K.D. (44 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) thông qua người môi giới biết được bà Nguyễn Lệ Hoa (46 tuổi) đang cần bán gấp một lô đất tại P.10, Q.6 vì đang kẹt tiền nợ. Giá trị thật của lô đất khoảng 2,7 tỉ đồng, nhưng rao bán chỉ... 2 tỉ đồng. Bà D. đã thận trọng, tới Phòng tài nguyên - môi trường quận, Công ty phát triển nhà Bình Phú và một công ty dịch vụ để kiểm tra hồ sơ về lô đất và được xác nhận thông tin về lô đất đúng nhưng không nói rõ tên chủ lô đất. Hai bên hẹn nhau tới văn phòng công chứng trung tâm để ký hợp đồng, thỏa thuận là ngay sau khi hợp đồng được ký, có chứng thực sẽ giao đủ tiền.
Tại phòng công chứng, qua kiểm tra công chứng viên phát hiện hồ sơ “có vấn đề”, đề nghị bà D. ra nói khéo để giữ chân các đối tượng chờ công an tới. Bà D. quay ra thì các đối tượng đã cao chạy xa bay vì biết có nguy cơ bị lộ. Một công chứng viên cho biết toàn bộ hồ sơ liên quan tới lô đất bị làm giả, riêng CMND, hộ khẩu thì chưa xác định chính xác
|
(Theo Tuổi trẻ)