Bộ Xây dựng đang cùng UBND thành phố Hà Nội hoàn tất đề án mở rộng địa giới hành chính Hà Nội và quy hoạch Vùng thủ đô, mạng lưới giao thông đô thị để trình Thủ tướng phê duyệt vào đầu quý II.
Bộ Xây dựng đang cùng UBND thành phố Hà Nội hoàn tất đề án mở rộng địa giới hành chính Hà Nội và quy hoạch Vùng thủ đô, mạng lưới giao thông đô thị để trình Thủ tướng phê duyệt vào đầu quý II.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trần Ngọc Chính, cho biết, quy hoạch vùng thủ đô được gắn kết với 7 tỉnh giáp ranh với Hà Nội, có tầm nhìn rộng và mở trong quan hệ với các nước trong khu vực và quốc tế. Những vấn đề mà các cơ quan chức năng đang tập trung giải quyết là quy hoạch không gian trung tâm chính trị của đất nước, trong đó có vị trí các cơ quan TW của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; không gian hành chính của Hà Nội; hệ thống hạ tầng hiện đại, khu vực đô thị và các khu vực chức năng khác.
Theo đó, việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô cũng được tính đến trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, đáp ứng nhu cầu phát triển mọi mặt của Hà Nội với quy mô dân số lớn gấp nhiều lần hiện nay. “Quy hoạch vùng thủ đô sẽ được các chuyên gia quy hoạch kiến trúc có kinh nghiệm của nước ngoài thẩm định, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu quý II”, ông Trần Ngọc Chính cho biết.
Trước mắt, khu vực tây nam của thành phố sẽ được điều chỉnh quy hoạch. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, bên cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia đã xây dựng, tại đây sẽ có một số thay đổi so với quy hoạch chi tiết trước đây. Một số công trình sẽ được điều chỉnh diện tích là: Bảo tàng thiên nhiên VN (10 ha), Bảo tàng lịch sử quân sự (10 ha), Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quốc tế (25-30 ha), đất cơ quan hiện có, trạm xử lý nước thải (30 ha). Như vậy, quỹ đất còn khoảng 50 ha là Công viên văn hoá Tây Nam. Trước đây, khu Công viên văn hoá được bố trí có diện tích 160 ha, được coi là nơi giới thiệu động vật bán hoang dã.
Theo đề án Vùng thủ đô do Viện quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) thực hiện, vùng thủ đô đã được xác định bao gồm Hà Nội và 7 tỉnh xung quanh là Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam. Khu vực này hiện có tổng diện tích tự nhiên trên 13.000 km2, bằng 87% vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, số dân hơn 12 triệu người.
Việc xây dựng quy hoạch vùng nhằm phát triển hệ thống trung tâm hành chính chính trị hiện đại để xứng tầm là một trung tâm chính trị của quốc gia. Các tỉnh lân cận sẽ phát triển theo những trục kinh tế chính trị, dựa trên các vùng công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ và làng nghề.
Vùng thủ đô sẽ phát triển theo hai trục: kinh tế đô thị quốc tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trục đô thị quốc gia là vùng Tây Bắc và vùng đô thị duyên hải. Trong đó, vùng đô thị hạt nhân là thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển thành trung tâm kinh tế chính trị hiện đại, xứng tầm khu vực Đông Nam Á. Vùng đối trọng phía Tây thủ đô dự kiến sẽ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Vùng phía Bắc - Đông Bắc sẽ hình thành vùng công nghiệp, đô thị. Vùng phía Đông sẽ trở thành các ngành dịch vụ, chế biến nông sản. |
(Theo VnExpress)