Phát triển công trình xanh kết hợp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu
quả là hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững trong tương lai của
các đô thị tại Việt Nam.
Phát triển công trình xanh kết hợp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững trong tương lai của các đô thị tại Việt Nam.
Còn nhiều bất cập
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 756 đô thị các loại. Con số này được dự báo sẽ tăng xấp xỉ 1,5 lần trong giai đoạn 2015 - 2020. Dân cư đô thị hiện chiếm khoảng 32%; đến năm 2025, được dự báo tăng lên khoảng 52 triệu người, chiếm 50% tổng dân số cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu xây dựng hạ tầng đô thị, đặc biệt là nhà ở tăng cao, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn hơn.
Theo GS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phát triển đô thị tại Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức và không ít vấn đề bất cập. Sự tăng nhanh số lượng đô thị chưa tương xứng với chất lượng sống của cư dân. Đô thị hóa nông thôn chưa được quan tâm đúng mức khiến phân hóa giàu nghèo có xu hướng bị nới rộng. Quản lý đô thị có nhiều bất cập gây lãng phí lớn nguồn lực đất đai. Ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa định hình được một phong cách kiến trúc riêng biệt, đặc trưng cho các đô thị.
Cần có chính sách khuyến khích
Theo một điều tra nghiên cứu mới đây của Hội đồng Công trình xanh tại Việt Nam (VGBC), các công trình xanh có thể giảm tiêu thụ năng lượng tới 30%, giảm phát thải khí nhà kính CO2 ở mức 35%, tiết kiệm khoảng 40% lượng nước tiêu thụ và 40 - 50% vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án xây dựng mới hiện thực hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa hoặc không biết kết hợp sử dụng các thiết kế và vật liệu xanh có khả năng mang lại hiệu quả cao về mặt năng lượng.
GS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, kiến trúc xanh là xu thế của đô thị tương lai. Tuy nhiên tại Việt Nam, các công trình xanh mới chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu, được thử nghiệm với những dự án nhỏ chủ yếu có liên quan tới yếu tố tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Xu hướng phát triển kiến trúc nhiệt đới, căn cứ theo đặc trưng vùng miền là hướng đi phù hợp trong điều kiện Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ cần có nhiều hơn các chính sách ưu đãi cho những dự án phát triển đô thị tại khu vực nông thôn theo hướng sinh thái có chú ý tới yếu tố biến đổi khí hậu, khuyến khích các dự án khai thác, tận dụng đất bãi bỏ hoang.
Thực tế, phần lớn người dân hiện chưa có nhận thức đúng đắn về chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho các công trình xanh, cụ thể là những yếu tố liên quan tới tiết kiệm năng lượng tại các công trình. Không thể phủ nhận rằng, chi phí ban đầu cho xây dựng các công trình xanh là cao hơn (khoảng 15 - 20%) so với thông thường, nhưng nếu xét về hiệu quả lâu dài thì lợi ích từ các công trình xanh mang lại là lớn hơn rất nhiều.
Ông Yannick Millet, Giám đốc Hội đồng Công trình xanh tại Việt Nam cho biết thêm, một trong những vấn đề khó nhất trong việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay là vốn đầu tư đổi mới công nghệ và cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư còn rất hạn chế. Cuối năm 2012, Đại sứ quán Mỹ phối hợp cùng các bộ, ban ngành Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển Chương trình Năng lượng sạch cho Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017.
Tuy nhiên, để chương trình đạt được kết quả như mong đợi, Chính phủ Việt Nam cần cố gắng trong việc nâng cao năng lực quản lý trong nước nhằm thi hành tốt các quy chuẩn, tiêu chuẩn; xây dựng các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Thúc đẩy và quảng bá Hệ thống đánh giá công trình xanh LOTUS (hiện đang được áp dụng phổ biến tại các quốc gia châu Á) cho Việt Nam. Quan trọng hơn là cần sớm nâng cao nhận thức, sự thông hiểu của người dân, các nhà đầu tư, cán bộ chính quyền các cấp,… về vai trò, ý nghĩa của công trình xanh trong bối cảnh phát triển của Việt Nam.
Theo KTĐT