Chiều thứ bảy cuối tuần, sân golf Đồng Mô chật cứng xe hơi của các doanh nhân và quan chức. Khi golf trở thành môn thể thao thời thượng, xây dựng sân golf kết hợp khách sạn, biệt thự đang trở thành mô hình đầu tư hấp dẫn.
Chiều thứ bảy cuối tuần, sân golf Đồng Mô chật cứng xe hơi của các doanh nhân và quan chức. Khi golf trở thành môn thể thao thời thượng, xây dựng sân golf kết hợp khách sạn, biệt thự đang trở thành mô hình đầu tư hấp dẫn.
Hiện nay, cả nước có khoảng 5.000 người chơi golf, trong đó có 2.000 tay gậy chơi thường xuyên. Chơi golf không chỉ là hoạt động giải trí thông thường mà còn được coi là dấu hiệu của sự thành đạt trong giới kinh doanh, các nhà hoạt động chính trị, ngoại giao... Do vậy số lượng người Việt chơi golf đang có xu hướng tăng rất nhanh.
Bên cạnh đó, khách du lịch đến VN chơi golf ngày càng nhiều. Ông Phạm Từ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lấy một ví dụ, khách du lịch từ Hàn Quốc đến Việt Nam đạt hơn 300.000 lượt trong năm 2005 và có thể đạt nửa triệu trong thời gian tới. Rất nhiều khách Hàn Quốc đến để chơi golf, vì Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn và rẻ.
Nhu cầu tăng mạnh trong khi cả nước mới chỉ có 11 sân golf hoạt động là lý do một loạt dự án mới đang được triển khai. Miền Bắc có sân golf Hà Nội (100% vốn đầu tư của Nhật Bản), sân golf Kim Nỗ (liên doanh với Thái Lan), Ngôi sao Đại Lải, Flamingo Đại Lải, Sky Lake Golf (100% vốn Hàn Quốc) và Long Sơn cũng vốn đầu tư Hàn Quốc. Dải đất miền Trung cũng không chịu kém cạnh với những dự án tầm cỡ 100 triệu USD như sân golf Đà Nẵng do VinaCapital đổ vốn đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, hiện cả nước có tới 28 dự án ở các giai đoạn khách nhau, trong đó miền Bắc có tới 13 dự án, miền Trung 10 và miền Nam 5.
Hiện tại, Thái Lan có 109 sân, Malaysia 173 sân, Indonesia 117 sân, số sân golf tại VN là 11.
Hàn Quốc là nhóm khách hàng quan trọng nhất chiếm khoảng 45%, Nhật Bản là nhóm khách hàng đông thứ hai chiếm 25%, khách VN chiếm khoảng 10% nhưng có xu hướng tăng rất nhanh.
(Nguồn Hiệp hội golf thủ chuyên nghiệp châu Á)
|
Một quan chức Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết từ nay đến cuối năm 2006 có khoảng 3-4 sân mới đi vào hoạt động. Chưa chịu sức ép nhiều, các sân cũ đã cải tiến để thu hút khách ruột. Đồng Mô giảm một nửa phí cho quan chức so với doanh nhân. Ngôi sao Chí Linh mời cả Lars Holden, một thành viên của Hiệp hội golf nhà nghề Australia vào vị trí tổng giám đốc. Đến đây, khách được huấn luyện chơi golf, tư vấn chọn dụng cụ và phổ biến luật chơi một cách chuyên nghiệp.
Về phần người chơi, họ hy vọng có thêm nhiều sân chi phí cho môn thể thao thời thượng này sẽ dễ thở hơn một chút. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga cho hay phí chơi đắt là nguyên nhân khiến nhiều người Việt còn dè dặt khi đến với golf. Thông thường, người chơi phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua thẻ hội viên, sắm bộ đồ chơi golf. Mỗi lần chơi golf còn đòi hỏi những chi phí khác. Chẳng hạn, sân golf Đồng Mô tính phí ra sân 75 USD cho 1 người, phí phục vụ 8 USD cho mỗi caddie chưa kể tiền "boa". Nếu người chơi chưa có đồ nghề, xin vui lòng bỏ ra 25 USD phí thuê gậy, 10 USD phí thuê giầy rồi cả tiền thuê bóng...
Phong Lan