Thực hiện đề án tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Ðại Tín (Trustbank) đã quyết định đổi tên gọi thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam
Thực hiện đề án tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Ðại Tín (Trustbank) đã quyết định đổi tên gọi thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, đồng thời đề ra chiến lược phát triển mới. Ðây là những bước đi cần thiết nhằm tạo ra và nâng cao những lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng (NH) trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường tài chính - ngân hàng.
Ðồng hành cùng ngành xây dựng
Thực hiện Quyết định số 254/QÐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt "Ðề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015" cùng sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc chấp thuận phương án tái cơ cấu Trustbank, Trustbank đã triển khai việc tái cấu trúc. Ðến nay, công tác này bước đầu đạt được các mục tiêu về thanh khoản, năng lực tài chính, xử lý nợ xấu, tăng cường năng lực quản trị, bộ máy tổ chức... Ngày 23-5, NHNN cũng đã có Quyết định số 1161/QÐ-NHNN về việc thay đổi tên gọi của Trustbank. Theo đó, NHNN chấp thuận việc thay đổi tên gọi của Ngân hàng TMCP Ðại Tín (Trustbank) thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam).
Sức ép cạnh tranh giữa các NHTMCP đang tăng cao, đồng thời các NHTMCP cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định từ sự suy giảm kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, đòi hỏi NH Xây dựng Việt Nam phải xây dựng lại những chiến lược phát triển riêng để phát huy những lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Việc hình thành một TCTD tập trung hơn vào việc đáp ứng nhu cầu về vốn, dịch vụ thanh toán và các dịch vụ khác cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng được xác định là một chiến lược mang tính đón đầu.
Theo tính toán của các chuyên gia, tổng mức đầu tư của nền kinh tế vào ngành xây dựng liên tục tăng, đạt trung bình khoảng 10% hằng năm. Năm 2010 vốn đầu tư vào ngành xây dựng đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong tổng số khoảng 830 nghìn tỷ đồng đầu tư trên cả nước; trong đó, khu vực đầu tư Nhà nước chiếm khoảng 14,6 nghìn tỷ đồng. Còn năm 2012, mức đầu tư đạt khoảng 56,4 nghìn tỷ đồng. Nhận thấy được tiềm năng của ngành xây dựng, với lợi thế là có các cổ đông và đối tác có kinh nghiệm trong ngành xây dựng và NH cũng như nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, NH Xây dựng Việt Nam chủ trương đẩy mạnh tập trung vào thị trường liên quan ngành xây dựng để tạo thế mạnh phát triển cho riêng mình. Trong đó, chú trọng phát triển dịch vụ cho vay xuất khẩu, cho vay và dịch vụ cho ngành vật liệu xây dựng và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Ðặc biệt là hợp tác kinh doanh với các NH thương mại nhà nước để phát triển các sản phẩm nhà ở theo chủ trương của Chính phủ, NHNN, Bộ Xây dựng; trong đó có gói sản phẩm khép kín bốn nhà (NH, nhà đầu tư, nhà thầu và nhà sản xuất - cung ứng vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất), các gói sản phẩm nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Trong mối liên kết này, NH Xây dựng Việt Nam có vai trò cung cấp các dịch vụ NH cho các bên liên quan và kết nối mạng lưới khách hàng tiềm năng rộng khắp trên cả nước. Chuỗi khép kín bốn nhà nói trên cũng sẽ giúp giảm đến mức thấp nhất những rủi ro cho tất cả các bên tham gia.
Trong chuỗi giá trị này, nhà cung ứng vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất có vai trò quan trọng, tạo nên "sân chơi" mà các nhà sản xuất vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất thay vì phải bán hàng trực tiếp thì sẽ thông qua vai trò trung gian như đại lý lớn kết nối các nhà sản xuất với nhiều chủ đầu tư, nhà thầu..., tạo ra nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất với khối lượng lớn. Vì thế, lượng hàng khi qua vai trò nhà cung ứng vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất sẽ có giá thấp hơn thị trường bán lẻ trực tiếp và người hưởng lợi chính là các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng. Ðồng thời, thông qua vai trò nhà cung ứng này, việc bán hàng thay vì trực tiếp nay trở thành bán buôn, đặt hàng với số lượng lớn, các nhà sản xuất sẽ có nhiều đơn đặt hàng trước dưới dạng mua sỉ nên các nhà sản xuất có nhiều cơ hội giải phóng lượng hàng đang tồn kho cũng như hoạch định được kế hoạch kinh doanh dài hạn. Ngược lại, các nhà đầu tư, nhà thầu, khi được mua vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất có giá rẻ hơn, thì có cơ hội giảm được chi phí đầu tư cũng như giá bán sản phẩm đầu ra; và người tiêu dùng có cơ hội mua sản phẩm với giá hợp lý hơn. Nhờ vậy, số lượng khách hàng có nhu cầu tăng lên, cầu của thị trường đối với phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp sẽ tăng lên. Từ cơ sở đó, chiến lược mới của NH Xây dựng Việt Nam sẽ hướng đến việc góp phần thực hiện Nghị quyết số 02/NÐ-CP của Chính phủ, góp phần giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN trong ngành xây dựng.
Phát triển theo hướng mới
Cùng với việc đề ra chiến lược phát triển mới, Trustbank cũng quyết định thay đổi tên gọi theo hướng gần gũi hơn với khách hàng và thị trường. Việc đổi tên gọi thành NH Xây dựng Việt Nam xuất phát từ việc xây dựng định hướng chiến lược mới của đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, việc đổi tên một NH không đồng nghĩa với việc thành lập một NH mới. Ðồng thời, tên gọi một NH không đồng nghĩa việc NH đó chỉ phục vụ một ngành có tên giống tên của NH đó. Ðặc biệt, cần hiểu đúng và phân biệt rõ tên gọi "xây dựng" không đồng nghĩa với "bất động sản". Việc thay đổi tên gọi cũng không làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ hợp tác hiện hữu giữa Trustbank với các khách hàng và đối tác truyền thống, các NH bạn... Việc đổi tên để thành công hơn và tên gọi không ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động của NH đã có một số tiền lệ trên thế giới như NH Tiết kiệm cho vay nhà ở Schwaebische Hall Bausparkasse của Ðức, NH Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank)...
Do vậy, sau khi đổi tên cùng với việc triển khai chiến lược mới, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam vẫn là một NH đô thị đa năng, hoạt động theo Luật các TCTD và các quy định của NHNN như các NH TMCP khác của Việt Nam. Các dịch vụ mà NH có thể cung cấp là huy động tiền gửi, nghiệp vụ thanh toán quốc tế, tài trợ các hoạt động tín dụng, tài trợ xuất - nhập khẩu, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các hoạt động thanh toán, bao thanh toán, bảo lãnh thực hiện, bảo lãnh dự thầu, quản lý luồng tiền cho DN, các nghiệp vụ phái sinh, phòng ngừa rủi ro liên quan đến việc mua bán hàng hóa, ngoại tệ, vay và trả nợ bằng ngoại tệ, quản lý thanh toán lương, quản lý tài khoản cho nhân viên của khách hàng...
Theo: Nhân Dân`