TPHCM đang chìm dần xuống mực nước biển vì tác động của quá trình
biến đổi khí hậu và sự thiếu kiểm soát trong phát triển đô thị.
TPHCM đang chìm dần xuống mực nước biển vì tác động của quá trình biến đổi khí hậu và sự thiếu kiểm soát trong phát triển đô thị.
Nghiên cứu của Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM vừa công bố cho thấy nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đang bị lún cục bộ với tốc độ trung bình trên 1 cen-ti-mét/năm.
Đợt triều cường cuối tháng 10 vừa qua có đỉnh cao chưa từng thấy (1,57 mét), đã gây ngập nặng cho nhiều khu vực của TPHCM. Theo nghiên cứu của tổ chức liên quốc gia về biến đổi khí hậu toàn cầu, mực nước biển trung bình đã tăng so với 20 năm trước 10 cen-ti-mét.
Tiến sĩ Lê Văn Trung, Trung tâm Địa tin học, cho rằng sự giảm mực nước ở các tầng khai thác nước dưới đất, cùng với sự phát triển nhanh các công trình xây dựng trên mặt đất... đã và đang gây nên sự biến dạng bề mặt địa hình - lún đất - ở TPHCM.
Nghiên cứu này được củng cố khi Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cho biết, tình hình khai thác nước ngầm ở TPHCM đã vượt mức 1 triệu mét khối/ngày nhưng lượng nước bổ cập thì dưới 200.000 mét khối/ngày - khiến mực nước dưới đất của các tầng chứa nước ngày càng bị hạ thấp.
Đó là chưa nói thời gian gần đây quá trình đô thị hoá nhanh chóng với nhiều cao ốc đè lên bề mặt khu vực TPHCM cũng góp phần làm lún đất.
Trung tâm Địa tin học đưa ra kết luận trên nhờ phân tích các ảnh vệ tinh từ tháng 10-1992 đến tháng 3-2010 của cơ quan không gian châu Âu và Nhật Bản. Theo đó, hầu hết các quận, huyện đều có khu vực bị lún với tốc độ 1 cen-ti-mét/năm; các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún trên 1,5 cen ti mét/năm.
Theo Trung tâm Địa tin học, từ năm 1992 đến nay, nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đã bị lún từ 20 - 30 cen-ti-mét; một số khu vực lún đến 50 cen-ti-mét. Điều này giải thích vì sao ngày càng có nhiều khu vực ở TPHCM bị ngập cục bộ khi triều cường.
(Theo TBKTSG)