Dự án Đài kiểm soát không lưu Nội Bài được khởi công từ tháng 9/2008, dự kiến cuối 2010 hoàn thành nhưng đã chậm gần một năm.
Dự án Đài kiểm soát không lưu Nội Bài được khởi công từ tháng 9/2008, dự kiến cuối 2010 hoàn thành nhưng đã chậm gần một năm.
Điều đáng nói, công trình chưa xong nhưng đã xuất hiện một số đơn thư tố cáo chủ đầu tư và nhà thầu có nhiều sai phạm.
Làm rõ các nội dung tố cáo
Nội dung đơn tố cáo có nêu, hồ sơ trúng thầu khung giữ kính cabin tháp chỉ huy phải là vật liệu của Đức, thi công lắp đặt thực tế của Việt Nam nhưng đã có một bộ phận bị thay đổi xuất xứ vật tư và vật liệu không được cấp có thẩm quyền cho phép. Hệ thống thang máy đi từ tầng hầm lên phòng kiểm soát ở độ cao 80m, mặc dù chưa được bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng đã nhiều lần gặp sự cố, mất điện đột ngột làm cửa bung ra ngoài.
Thêm vào đó, hệ thống cáp thông tin theo thiết kế phải nhập của Mỹ nhưng khi thi công lại nhập từ nước khác, không đáp ứng được hai chức năng tối quan trọng là chống nhiễu sóng và bảo mật thông tin. Ngoài ra, hệ thống máy tính của đài kiểm soát không lưu có nhiều chiếc không bảo đảm chất lượng và không đúng so với hồ sơ trúng thầu.
Trong tháng 7 vừa qua, toàn bộ thiết bị đài chỉ huy mất điện đột ngột trong khi nguồn cấp điện không bị mất. Một số chuyên gia hàng không nhận định, nếu sự cố này xảy ra khi đang điều hành bay thì dễ gây ra nguy cơ mất an toàn cho chuyến bay...
Trước khiếu nại này, báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT cho biết, trong 8 vấn đề cần xác minh theo đơn thư, có 2 nội dung tố cáo bàn kiểm soát viên không lưu và máy tính "mua ở chợ giời", "sai hồ sơ trúng thầu" là không có vấn đề gì. Điều này đã được Cục Phòng chống tham nhũng, Bộ Công an (C48) xác minh rõ.
6 nội dung tố cáo về khung kính giữ cabin tháp, chủng loại kính, thang máy, hệ thống cáp ca bin, Thanh tra Bộ GTVT đã xác minh, sơ bộ đánh giá nội dung kiến nghị không đúng, vì toàn bộ thiết bị đều nhập ngoại, trong quá trình thi công có thay đổi khung nhôm Singapore thay bằng khung nhôm của Đức. Các thay đổi này cũng được các bên Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, nhà thầu, Ban quản lý dự án đều đồng ý, được chủ đầu tư chấp thuận.
Riêng tố cáo "công tác hoàn thiện kém, nội thất xấu, các vật liệu hoàn thiện chất lượng kém", Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, do thi công phần cốt pha không đảm bảo nên tầng 20, 21 nhiều chỗ trần bê tông mấp mô, các ống thoát nước để lộ thiên, các phần tiếp nối giữa bậc thang với tường còn có khe hở rộng, gạch nền lát chưa kín có khe hở rộng... tổ công tác Thanh tra Bộ GTVT nhắc nhở Ban quản lý dự án khắc phục đảm bảo mỹ quan cho toàn bộ công trình.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Như Long, Trưởng Ban quản lý dự án Đài kiểm soát không lưi Nội Bài, cho biết: Công trình chưa nghiệm thu nên sẽ yêu cầu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội khắc phục. Tuy nhiên, theo thiết kế phần đổ bê tông tòa tháp theo thiết kế của tư vấn Pháp, hồ sơ mời thầu không có hạng mục trát vữa, chỉ đổ bê tông lăn sơn.
Do chưa có kinh nghiệm thi công tòa tháp hình tròn nên một số điểm tiếp giáp không được đẹp, riêng hạng mục này khó có khả năng khắc phục.
Tuy nhiên, trả lời báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Quý Tiêu nhận xét, qua kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện có một số thay đổi đúng như đơn tố cáo và việc mất điện đột ngột là có thật...
Dù vậy, ông Tiêu cho rằng trong quá trình lắp đặt thiết bị, việc mất điện là bình thường.
"Đây là dự án với nhiều thiết bị hiện đại nên chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo Bộ GTVT thanh tra ngay khi công trình được nghiệm thu, khai thác vào cuối năm nay", ông Tiêu khẳng định.
Rada quá đắt, đài kiểm soát cao quá thiết kế?
Song, đơn thư tố cáo không chỉ dừng lại ở các nội dung đã được thanh tra kết luận. Ngay tại thời điểm này, vẫn còn khiếu nại về việc giá rada Nội Bài quá cao so với rada lắp tại TP.HCM, vị trí đài không lưu không phù hợp làm ảnh hưởng hoạt động bay, chiều cao vượt mức thiết kế ban đầu.
Về mức giá rada, ông Trịnh Như Long cho biết, nếu tách ra, giá rada Nội Bài còn rẻ hơn so với Tân Sơn Nhất.
Theo ông Long, đã là một gói thầu thì không chỉ mỗi rada, mà rada chỉ là cái thu tín hiệu, còn đằng sau mới là quan trọng. Ngoài ra, nếu tách riêng rada thì đều do hãng Texma bán cho hai nhà thầu, chứ cũng không phải do hai nhà thầu kia sản xuất.
"Rada của Nội Bài chỉ có 572.000 USD, Tân Sơn Nhất 583.000 USD chỉ đắt hơn 10.000 USD nhưng không thể nói đắt hơn do thời điểm mua có khác. Hơn nữa, phạm vi cung cấp hai gói thầu rất khác nhau, chẳng hạn như bộ xử lý của Nội bài có 16 vị trí làm việc, bộ xử lý của Tân Sơn Nhất chỉ có 5 vị trí...
Ngoài ra một số thiết bị ở Nội Bài có Tân Sơn Nhất không có", ông Long nói.
Về chiều cao của Đài không lưu trong đơn tố cáo là "vượt mức thiết kế ban đầu", ông Long cho hay: Theo thỏa thuận với Tổng tham mưu khi chưa có dự án sẽ làm 88m và phần xây dựng hiện nay vẫn là 88m. Chiều cao rada có vượt chẳng qua là lắp thêm quả cầu vỏ bảo vệ trên nóc, nếu sau này không dùng tháo đi thì chiều cao vẫn là 88m, không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, qua so sánh đối chiếu thiết kế, hồ sơ thầu và thực tế thiết bị lắp đặt tại công trình, chúng tôi phát hiện một số vật liệu, thiết bị cũng đã thay đổi so với thiết kế.
Như vách kính thân tháp tầng 23, dày hơn thiết kế, cáp thay đổi chủng loại, một sàn nâng trị giá 56.000 USD trong hạng mục đầu tư thang máy cũng chưa được thực hiện...
Được biết, mới đây Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam cũng đã tiến hành thanh tra Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài. PV sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc khi có những thông tin mới nhất.
(Theo VEF)