Nữ tiến sĩ Trương Thị Bích Hà từng là giảng viên tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội và là tiến sĩ tâm lý nổi tiếng trong chương trình tư vấn trên sóng truyền thanh.
Nữ tiến sĩ Trương Thị Bích Hà từng là giảng viên tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội và là tiến sĩ tâm lý nổi tiếng trong chương trình tư vấn trên sóng truyền thanh.
Ngày 14/9 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Thị Bích Hà về 2 tội danh: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản án 20 năm tù đã tuyên đối với nữ tiến sĩ tâm lý vốn được đông đảo bạn nghe đài mến mộ bởi chất giọng truyền cảm và khả năng phân tích, phán đoán tâm lý người khác đặc biệt sắc sảo…
Từ nữ tiến sĩ tâm lý được nhiều người mến mộ…
Một người bạn của tôi, công việc quanh năm gắn bó với chiếc radio, khi nhắc đến tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà đã không ngớt lời hâm mộ. Bạn tôi bảo rằng, dù chưa gặp nữ tiến sĩ tâm lý lần nào, nhưng nghe chương trình tư vấn của bà Hà trên sóng truyền thanh, giọng nói ấm áp truyền cảm, lời nói "đi vào lòng người" khiến bạn nghe đài có cảm giác nữ tiến sĩ thân thiết như người bạn, người chị gái. Đối với những người đang có mắc mớ về tình cảm, khi gặp được nữ tiến sĩ tâm lý này quả là “được lời như cởi tấm lòng”.
Tôi còn nhớ năm 2005, tham dự một cuộc giao lưu với sinh viên về chủ đề "sống thử" đối với các bạn trẻ, tôi đặc biệt thích thú những ý kiến của nữ tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà. Ở góc độ một nhà nghiên cứu tâm lý, đồng thời là một người phụ nữ đã trải cuộc sống, bà đã phân tích vấn đề này một cách thấu đáo ở nhiều khía cạnh, từ quan niệm truyền thống của người Việt, đến những hậu quả hôn nhân, sức khỏe sinh sản.
Trong một diễn đàn khác về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, tiến sĩ Trương Thị Bích Hà, lúc đó là giám đốc một trung tâm tư vấn truyền thông, khiến nhiều người tâm đắc khi cho rằng người phụ nữ chính là điều phối viên quan trọng làm cho ngọn lửa yêu thương trong gia đình cháy mãi. Làm thế nào để ngọn lửa yêu thương đó được truyền đi và được tiếp nhận một cách đều đặn, đòi hỏi có một kỹ năng, đó là kỹ năng chia sẻ để gia đình thực sự là điểm tựa của người già, là chốn dừng chân của người trẻ, là nơi con trẻ muốn trở về sau những ngày vui.
Thế rồi, bất ngờ ngày 19/5/2010, tin nữ tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội bắt giữ theo quyết định truy nã khiến nhiều người, nhất là bạn nghe đài truyền thanh vốn yêu mến chương trình của "chị Bích Hà" bấy lâu nay, đều ngạc nhiên và khó hiểu, vì sao một người đáng tin như vậy, bỗng chốc trở thành tội phạm?
... đến vết trượt dài của người đàn bà "máu" kinh doanh bất động sản
Đọc hồ sơ vụ án thì thật ra, nữ tiến sĩ Trương Thị Bích Hà rất máu mê kinh doanh bất động sản. Từ những năm 1994, khi Hà Nội mới manh nha vấn đề "sốt đất", bà Hà đã lặn lội lên tận Thạch Thất (Hà Tây cũ) tìm những mảnh đất có diện tích hàng nghìn mét vuông rồi rủ bạn bè, những người đồng nghiệp tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nơi bà Hà công tác, cùng góp vốn mua chung. Tính ra, diện tích đất mà bà Hà đầu tư lúc đó lên đến hàng nghìn mét vuông. Người ta bảo kinh doanh bất động sản đôi khi phải có "máu liều". Bà Hà là một người như vậy.
Để có tiền kinh doanh, bà Hà sẵn sàng đi vay tiền, vàng với lãi suất cao, từ 2%-5%/tháng. Thế nhưng người phụ nữ này đã không gặp may mắn. Qua kỳ "sốt", thị trường bất động sản trầm lắng, thậm chí tụt giá thê thảm. Nếu là người có kinh nghiệm và có tiền, nhiều người chấp nhận chờ đợi đến khi thị trường "ấm" trở lại. Nhưng vì đi vay tiền, lại tính toán đầu tư chỗ khác để bù lại, bà Hà đã liều lĩnh tự ý bán đi những phần đất mua chung với người khác mà không thông báo cho người cùng đầu tư biết.
Quá trình điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ từ tháng 12/1995 đến tháng 5/2009, Trương Thị Bích Hà đã lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản của 6 cá nhân với tổng số tiền lên đến 2 tỉ 895 triệu đồng. Đáng buồn là những người bị hại này đều là đồng nghiệp, bạn thân của bà Hà.
Việc đầu tư bất động sản đổ bể liên tục khiến bà Hà bắt đầu lâm vào cảnh nợ nần. Bà cứ trượt dài trong cái vòng luẩn quẩn, vay tiền lãi suất cao để trả nợ cho các khoản vay trước, để đầu tư thêm hy vọng gỡ gạc lại. Sau khi nghỉ hưu ở Trường đại học Sư phạm, bà Hà tiếp tục mở dịch vụ tư vấn tâm lý, rồi thành lập Công ty TNHH Đàm Khánh chuyên làm dịch vụ vay vốn ngân hàng. Những vết trượt dài của bà Hà chính ở thời điểm này. Không chỉ nhằm vào người thân, những khách hàng đến tư vấn tâm lý, cũng bị nữ tiến sĩ tâm lý cho vào bẫy.
Ông Nguyễn Bính, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình là một nạn nhân điển hình. Đầu năm 2009, ông Bính đưa con đến điều trị tâm lý. Sau khi con khỏi bệnh, gia đình ông Khánh coi bà Hà như ân nhân, qua lại thân thiết. Biết kinh tế nhà ông Bính khá giả, bà Hà không ngại ngần hỏi vay 30.000USD, đặt CMND và hộ khẩu làm tin. Mang ơn nữ tiến sĩ tâm lý nên ông Bính đồng ý ngay. Một thời gian sau, do cần dùng đến giấy tờ tùy thân nên Hà đã mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một người ở Đông Anh, đồng thời giả mạo hợp đồng mua bán mảnh đất đó để thế chấp cho ông Bính thay sổ hộ khẩu gia đình. Cho đến nay, bà Hà vẫn chưa trả đồng nào trong số tiền vay trên cho ông Bính.
Ngoài ra, với tư cách Giám đốc Công ty TNHH Đàm Khánh, bà Hà còn nhận sổ đỏ của rất nhiều người có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mang đến một số ngân hàng thế chấp, vay nhiều tỉ đồng. Nhưng bà Hà không đưa tiền cho người có sổ đỏ mà sử dụng cá nhân. Cho đến khi bà Hà bị bắt, nhiều người tá hỏa vì không biết sổ đỏ của gia đình đang nằm ở đâu và nơm nớp lo việc ngân hàng đến thu hồi nhà đất.
Một trong những căn cứ để Cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ nữ tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà là việc bà Hà chiếm đoạt 120.000 USD của bà Lê Thu Hiền ở phố Mai Dịch. Khi hỏi vay bà Hiền số tiền này với lý do đầu tư dự án, bà Hà đã dùng sổ đỏ mang tên mẹ đẻ là cụ Trịnh Thị Bính và một giấy đặt cọc mua căn hộ chung cư 118m2 tại khu đô thị Ciputra mang tên bà Đào Thanh Hương. Thực chất, tờ giấy đặt cọc này khi đó đã không còn giá trị, bởi bà Hương đã làm thủ tục hủy hợp đồng đặt chỗ mua căn hộ với chủ đầu tư. Trước đó, bà Hà có nhận tờ giấy đặt cọc này để bán suất mua căn hộ giúp bà Hương.
Sau một thời gian không bán được, khi làm thủ tục hủy hợp đồng, cả bà Hương và chủ đầu tư đã sơ suất không thu hồi lại giấy đặt cọc. Lợi dụng vào tờ giấy này, bà Hà đã lừa bà Hiền, nhận đó là căn hộ của mình và hứa nếu không trả được nợ, "căn hộ" này sẽ thuộc về bà Hiền. Ngoạn mục hơn, để "rút" sổ đỏ ra, bà Hà lấy lý do mượn lại sổ đỏ làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng lấy tiền trả nợ cho bà Hiền.
Quá tin tưởng vào nữ tiến sĩ tâm lý, bà Hiền đưa sổ đỏ mang tên cụ Trịnh Thị Bính cho Hà. Bà Hà đã nhờ mẹ đẻ ký hợp đồng thế chấp cho Công ty TNHH Đàm Khánh do bà Hà làm giám đốc để bà ký hợp đồng ủy quyền vay vốn một ngân hàng lấy 1,6 tỉ đồng. Vay được tiền, bà Hà không đưa trả bà Hiền như hứa hẹn, sau đó lẩn trốn. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã bà Hà về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong số tài sản mà bà Hà chiếm đoạt của mọi người, đau xót nhất có lẽ chính là những người ruột thịt. Khi bà Hà bị bắt, đầu năm 2011, mẹ của nữ tiến sĩ tâm lý cùng anh chị em trong nhà đã phải bán ngôi nhà ở phường Phúc Xá mà bà Hà đã dùng sổ đỏ thế chấp vay tiền ngân hàng nói trên để trả nợ cho bà Hà khi tính cả tiền lãi đã lên tới 2,1 tỉ đồng.
Nỗi buồn nhân tình thế thái
Điều tra viên Kiều Hùng Đoan (Phòng PC46 Công an Tp Hà Nội), người thụ lý vụ án Trương Thị Bích Hà kể lại, quá trình điều tra vụ án, ghi lời khai, bà Hà tỏ ra khá thành khẩn, không "tiểu xảo" đối phó như nhiều đối tượng phạm tội lừa đảo khác. Bản thân là một người chuyên nghiên cứu tâm lý người khác để tư vấn, có lẽ bà Hà cũng xác định cho mình tâm lý ổn định, chấp nhận cái giá phải trả cho một loạt hành vi phạm tội của mình.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Trương Thị Bích Hà tỏ thái độ thành khẩn khai nhận lại toàn bộ hành vi chiếm đoạt tài sản của mình đối với các bị hại theo như truy tố. Đổ bể trong việc làm ăn dẫn đến phạm tội, là nguyên nhân mà bị cáo Hà thừa nhận trước phiên tòa. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Trương Thị Bích Hà 20 năm tù. Mức án này cao hơn hẳn đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát trước đó, từ 14 - 15 năm tù giam.
Một nạn nhân của bà Hà tâm sự với tôi rằng, hôm xét xử sơ thẩm, chị đã không đến dự, bởi chị biết rằng khả năng tài chính của gia đình bà Hà chẳng thể nào thu xếp nổi để trả hết số tiền bà Hà đã chiếm đoạt của mọi người. Chị chỉ buồn vì hành vi của bà Hà khiến niềm tin của chị bị đổ vỡ, bởi bà Hà là người chị rất yêu mến, tin tưởng khi những điều nữ tiến sĩ tâm lý nói ra đều hết sức thuyết phục và đầy tình người. Cũng hiếm có một vụ án nào, mà từ khi điều tra đến xét xử, trái với sự tức giận, thù hằn thường thấy của những nạn nhân đối với các đối tượng lừa đảo, lạm dụng để chiếm đoạt tiền, người bị hại trong vụ án này chưa một lần chửi mắng, nguyền rủa bà Hà. Có lẽ, vì người ta nể trọng học vị tiến sĩ của bà, tôn trọng và tin tưởng vì hai vợ chồng bà đều là những người thầy đứng trên bục giảng.
Bản án 20 năm tù là cái giá đắt của nữ tiến sĩ tâm lý phải trả khi tuổi đã xế chiều. Điều đọng lại sau vụ án chỉ là nỗi buồn cho nhân tình thế thái khi một nữ giảng viên đáng kính, một chuyên gia tư vấn tâm lý giỏi giang, một địa chỉ cho những người đang bị lung lay trong cuộc sống gửi gắm niềm tin, trút bầu tâm sự … bỗng chốc trở thành kẻ lừa đảo
(Theo An Ninh Thế Giới)