Không có tới nửa chữ “bất động sản” trong dự thảo, song Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Không có tới nửa chữ “bất động sản” trong dự thảo, song Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Càng gần tới ngày được phê duyệt, với những ý đồ, hình khối ngày càng rõ nét, mỗi diễn biến dù nhỏ có liên quan tới Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đều nằm trong sự theo dõi sát sao của các doanh nghiệp bất động sản.
Lên giá để “đón đầu”
Cũng giống như thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, giới đầu cơ, các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu đều đã có sự chuẩn bị từ vài năm trước để “đón lõng” những cơ hội lớn do Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tạo ra.
Những thông tin được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm vẫn là tổ chức không gian, phát triển đô thị và hệ thống giao thông. Ngoài 5 khu đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn) và hành lang xanh, trục Thăng Long đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu cơ bất động sản.
Nói về dự án đường trục chưa từng có ở Việt Nam, dài khoảng 30km, kéo thẳng từ đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, mục đích giao thông là số một. Thứ hai là kết nối văn hóa xứ Đoài ở Sơn Tây, Phúc Thọ với văn hóa Thăng Long ở đô thị trung tâm.
Trên trục đó, ở chuỗi vành đai 3 - 4 đã có mở rộng 350m, dài 3,5km, sẽ quy hoạch các công trình bảo tàng, đài độc lập, kể về những câu chuyện lịch sử Thăng Long, xứ Đoài, đồng thời là khu vui chơi giải trí cho người dân Hà Nội. Dưới trục Thăng Long sẽ có tàu điện ngầm, có siêu thị, cửa hàng... Mật độ xây dựng rất ít song sẽ có nhiều công trình hiện đại của cả nước.
Ông Toàn cũng cho rằng, trục này có thể triển khai làm ngay từ năm 2011 chứ không thể để đến 2030 mới làm, bởi trục Thăng Long sẽ giải quyết tốt giao thông phía Tây. “Các vùng nông thôn phía Tây trông chờ trục đường này để phát triển. Khi hình thành các trục đường này thì giao lưu công nghiệp - hàng hóa sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Toàn nói.
Ngay sau khi thông tin về trục Thăng Long loang ra, giá đất ở một số huyện phía Tây như Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ đã bắt đầu biến động. Tại nhiều làng quê huyện Ba Vì, Quốc Oai... các “chợ” đất tự phát được hình thành với đội ngũ “cò” ngày đêm hoạt động tích cực.
Phong trào cắt đất chào bán để đón trục Thăng Long đang cuốn những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn vào cuộc đua tìm cơ hội giàu xổi. Cũng với diễn biến tương tự, tại những vùng hẻo lánh khác của Hà Nội như huyện Sóc Sơn, giá đất nhiều khu vực đã lên cao để chào đón thông tin huyện này sắp lên chức… đô thị vệ tinh.
Thực trạng “ôm” đất chờ quy hoạch đã khiến nhiều nhà quản lý lo lắng. Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, các đại biểu cũng đã thống nhất đề nghị Chính phủ báo cáo tình trạng mua bán bất động sản, giá các loại đất trên thị trường tự do ở nhiều khu vực Hà Nội...
Ai lợi, ai thiệt?
Ngoài các thông tin quy hoạch, một điểm quan trọng khác khiến các doanh nghiệp chú ý trong Đồ án Quy hoạch chung là khoản đầu tư khổng lồ ước tính lên tới 90 tỷ USD để triển khai quy hoạch Hà Nội. Trong đó, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho cả giai đoạn 2010 - 2030 dự trù khoảng 60 tỷ USD với quá nửa là đầu tư cho giao thông.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn lực này được “huy động chủ yếu từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu nhà nước cũng như thu hút từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từ các nguồn vốn ngân sách, FDI, đặc biệt là vốn ODA”. Mới nhìn vào con số 90 tỷ USD, các doanh nghiệp xây dựng, hay giao thông sẽ thấy thật hấp dẫn.
Song, sẽ không dễ cho Hà Nội triển khai quy hoach đó, bởi đất đai đang ngày càng trở nên khan hiếm trong khi ngân sách lại eo hẹp. Mở ra những cơ hội lớn, song Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng sẽ tạo ra không ít “bức tường” ngăn các doanh nghiệp bất động sản tấn công vào những khu đất vàng của Hà Nội.
Ở khu vực lõi của thành phố, tại 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), để chuẩn bị cho việc triển khai quy hoạch, tiến tới hạn chế tăng dân số cơ học, Hà Nội đã ban hành nghiêm lệnh dừng cấp phép xây dựng mới các dự án nhà cao tầng ngay từ 1/1/2010. Ngay cả các dự án bất động sản cao tầng đã được cấp phép hiện cũng đang bị tạm dừng, đưa vào diện kiểm soát chặt chẽ trước khi được tái khởi động.
Mới đây, thành phố đã đề xuất Chính phủ cho phép một số dạng dự án bất động sản ở nội thành được làm tiếp, song Bộ Xây dựng cho rằng, thành phố phải có được những thông tin cụ thể hơn đối với các công trình cao tầng ở trung tâm đang trong quá trình triển khai. Hà Nội cần có danh mục các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô công trình... để có cơ sở để Bộ Xây dựng cho ý kiến.
Cũng theo Bộ Xây dựng, do Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 đang hoàn chỉnh, nên chưa có cơ sở để xem xét cho phép tiếp tục triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà cao tầng trong khu vực trung tâm thành phố đã được cấp phép xây dựng trước ngày 31/12/2009. Như vậy, có thể hiểu, các dự án bất động sản này ít nhất cũng sẽ bị “treo” cho tới ngày quy hoạch chung được duyệt.
Cũng tương tự như các dự án cao tầng ở vùng lõi, hàng trăm dự án bất động sản khác ở bên ngoài đường vành đai 4 Hà Nội cũng đang mắc kẹt, chờ thông tin mới từ Đồ án Quy hoạch chung.
Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Vũ Tuấn Định, khác với các dự án trong vành đai 4, các dự án bên ngoài do vướng hành lang xanh nên bắt buộc phải chờ quy hoạch chung được duyệt mới có cơ sở pháp lý để xem xét cho triển khai tiếp hay hủy bỏ. “Hiện nay, các dự án này đều phải tạm dừng và các sở, ngành cũng mới lên danh sách, thu thập các thông tin sơ bộ chứ chưa thể quyết định được gì”, ông Định cho biết.
Dự báo trước những diễn biến phức tạp mà Đồ án Quy hoạch chung có thể tạo ra trên thị trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, cần bảo đảm đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị về việc công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện và để tổ chức thực hiện đồ án.
Mặt khác, cần nghiên cứu biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giải thích những định hướng của đồ án để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, qua đó tránh được sự xáo trộn về tâm lý của nhân dân, tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích làm sai các định hướng của Đồ án Quy hoạch chung.
(Theo Báo Doanh nhân)