Vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất không mấy phức tạp, nhưng có đến hơn 10 phiên tòa với Quyết định Giám đốc thẩm, đến nay việc giải quyết cho thấy sự phức tạp lại do chính cơ quan xét xử.
Vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất không mấy phức tạp, nhưng có đến hơn 10 phiên tòa với Quyết định Giám đốc thẩm, đến nay việc giải quyết cho thấy sự phức tạp lại do chính cơ quan xét xử.
Hùn tiền mua đất
Bà Trần Thị Thoa (trú D2/3 Gò Cẩm Đệm, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) khởi kiện cho rằng, ngày 15/9/1991 giữa bà và ông Liên Di Khải (trú 933/2/7 tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) hùn tiền và thống nhất mỗi người bỏ ra 1/2 số tiền để mua 6.400m2 đất (đo đạc thực tế là 6.900m2), tại ấp 5, xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Theo đó, trước mắt bà giao cho ông Khải 50 triệu đồng để ông Khải đứng tên chuyển nhượng đất; sau khi hoàn tất quyết định giao đất sẽ tiếp tục phân chia phần hùn tiền và nhận thêm tiền phát sinh, cũng như số tiền còn lại. Đến tháng 12/1991, ông Khải báo cho bà biết giá chuyển nhượng đất là 66 triệu đồng (tương đương 16,3 lượng vàng 24K), đồng thời ông Khải dẫn bà đến xem đất và đề nghị phần chuyển nhượng đất của bà là 50 triệu đồng, còn ông Khải là 16 triệu đồng. Năm 1992, cơ quan chức năng yêu cầu nộp 72.441.600 đồng tiền sử dụng đất bà đã nộp 40 triệu đồng…
Mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), nhưng ngày 11/12/1997 ông Khải vẫn chủ động làm hợp đồng ủy quyền để bà Thoa đi làm thủ tục xin cấp GCN sang tên ông. Tuy nhiên, trong thời gian này bà bị bệnh nên không theo dõi được việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Mãi đến tháng 12/2000, bà đến UBND xã Bình Trị Đông để hỏi thì mới biết ngày 4/10/2000 ông Khải đã làm thủ tục chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Của (trú tại 281/38 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11, TP.HCM), vì vậy bà mới làm đơn khởi kiện ông Khải để đòi lại phần đất bà đã hùn tiền…
Quyết định Giám đốc thẩm bị xem thường?
Vụ án kéo dài đến nay đã 10 năm với cả chục bản án, trong đó năm 2005 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có Quyết định giám đốc thẩm chỉ ra rằng, việc tính toán phần hùn tiền và xác định tỷ lệ góp vốn của bà Thoa với ông Khải là chưa phù hợp với thực tế khách quan, cũng như khi phân chia đất cho các bên tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại không ghi rõ tứ cận và số đo cụ tể chiều rộng, chiều dài khu đất mà các bên được hưởng, cho nên không có căn cứ để đảm bảo thi hành án.
Thế nhưng, Bản án sơ thẩm số 726/2010/DSST ngày 26/5/2010 của TAND TP.HCM và Bản án số 256/2010/DS-PT ngày 12/11/2010 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM vẫn lối mòn cũ xác định tỷ lệ góp vốn của bà Thoa chỉ tương đương với 485m2, của ông Khải tương đương 3.822m2 trong tổng diện tích 4.307m2 thuộc thửa 213, tờ bản đồ số 13 phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân dường như xem thường Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Do bất bình, bà Thoa đã tố cáo về việc thẩm phán làm sai lệch chứng cứ, bóp méo sự thật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của gia đình bà…, nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng.
Mặc dù hầu hết các bản án đều xác định bà Thoa có phần hùn tiền theo tỷ lệ góp vốn tương đương 3.260m2, ông Khải tương đương 1.047m2 trên tổng diện tích 4.307m2 đất do ông Khải đứng tên trong GCN ngày 4/10/2000. Đồng thời xác định hợp đồng chuyện nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Khải, bà Của là vô hiệu và chỉ chấp nhận việc tiếp tục sang nhượng 1.047m2 đất giữa ông Khải cho bà Của, đây là diện tích phù hợp với phần hùn tiền của ông Khải…
Để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, tránh khiếu kiện kéo dài, ảnh hướng đến uy tín của cơ quan xét xử, cũng như khó khăn cho việc thi hành án…Thiết nghĩ vụ việc sớm được TANDTC xem xét lại một cách khách quan, toàn diện.
(Theo Pháp Luật Việt Nam)