Chuẩn bị kỹ “kịch bản an toàn” cho việc đào tẩu khỏi nơi cư trú và
việc đến CQĐT đầu thú sau này, Nguyễn Thị Dậu - “trùm nợ” đất Hà Đông -
đã ý thức được phải chịu trách nhiệm hình sự thế nào.
Chuẩn bị kỹ “kịch bản an toàn” cho việc đào tẩu khỏi nơi cư trú và việc đến CQĐT đầu thú sau này, Nguyễn Thị Dậu - “trùm nợ” đất Hà Đông - đã ý thức được phải chịu trách nhiệm hình sự thế nào.
Một ngày sau khi Nguyễn Thị Dậu ra đầu thú, ngoài những thủ tục tố tụng theo quy định để thực hiện quyết định tạm giữ hình sự đối với Dậu, CQĐT dành cho “trùm nợ” khoảng thời gian yên tĩnh để suy ngẫm, đặc biệt, có sự hợp tác tích cực để làm sáng tỏ những vụ vay - trả lên đến cả trăm tỷ đồng. “Có thể thấy, Dậu đã chuẩn bị, tính toán khá kỹ cho các tình huống có thể xảy ra suốt quá trình trốn chạy cũng như khi ra đầu thú. Bề ngoài, sổ sách, giấy tờ thu giữ được tương đối khớp với lời khai ban đầu của cô ta”, điều tra viên thụ lý vụ án cho biết.
Đến thời điểm này, CQĐT “chốt” danh sách 52 người đã cho Dậu vay tiền. Bản danh sách này Dậu cũng lưu giữ, thể hiện việc vay - trả diễn ra từ khoảng năm 2009. Theo đó, số tiền Dậu vay khoảng 139 tỷ đồng, 10.000 USD và 31 cây vàng. Tuy nhiên cho đến hôm Nguyễn Thị Dậu ra đầu thú, mới chỉ có 31 người làm đơn và trực tiếp đến cơ quan công an trình báo việc cho Dậu vay tiền tổng cộng 46 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ, phần chìm của “tảng băng” vỡ nợ liên quan đến “trùm nợ” Nguyễn Thị Dậu sẽ đặt ra không ít khó khăn với công tác điều tra. Bởi một quy luật bất thành văn, nhiều chủ nợ vì nhiều lý do, “ngại” việc hợp tác với cơ quan công an. “Tâm lý này có thể khiến hành vi vi phạm của đối tượng không bị phát hiện, xử lý triệt để. Bên cạnh đó, việc không trình báo của bị hại đồng nghĩa với việc họ sẽ ít cơ hội thu hồi được tiền, tài sản đã cho Dậu vay, bởi cơ quan chức năng không có đủ chứng cứ, tài liệu xác minh”, một điều tra viên nhận định.
Theo thông tin phóng viên có được, trong phần chìm còn lại của “tảng băng” Nguyễn Thị Dậu, có một cá nhân đã cho Dậu vay số tiền hơn 40 tỷ đồng. Cá nhân này được hưởng lãi suất mỗi ngày khoảng 3.000 đồng đối với 1 triệu đồng cho vay. Đây được xem là cá nhân được hưởng lãi suất cao, bởi tùy từng trường hợp hoặc tùy theo số tiền vay, Dậu chỉ trả lãi khoảng 2.000 đồng cho 1 triệu đồng vay mỗi ngày. Theo tính toán của CQĐT cũng như lời khai ban đầu của Dậu, mỗi tháng “trùm nợ” phải trả lãi khoảng trên 4 tỷ đồng. Con số này thực sự “khủng” với cả Nguyễn Thị Dậu, bởi đối tượng này thực chất không kinh doanh gì. Tài sản bề nổi của Dậu mà CQĐT kê biên cho đến thời điểm hiện tại có ngôi nhà số 5 Nguyễn Thái Học (chỉ vài chục mét vuông), 1 ngôi nhà diện tích 101m2 cũng ở quận Hà Đông; cùng 2 mảnh đất được một “đối tác” của Dậu tên là T. thế chấp.
Vụ án đang được Văn phòng CSĐT CATP Hà Nội điều tra, khai thác mở rộng. Đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan đến Nguyễn Thị Dậu, đến CQĐT để cung cấp thông tin. Địa chỉ: 55 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Gặp ĐTV Nguyễn Đức Tính. |
(Theo CAND)