Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, Nguyễn Trọng Hòa, đã trao đổi về vấn đề quy hoạch khu vực trung tâm thành phố, điều đang được rất nhiều người dân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, Nguyễn Trọng Hòa, đã trao đổi về vấn đề quy hoạch khu vực trung tâm thành phố, điều đang được rất nhiều người dân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Khu vực đề xuất nghiên cứu thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu thành phố mở rộng có diện tích khoảng 930 ha, bao gồm toàn bộ các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, Đakao (quận 1); phường 6, một phần phường 7 (quận 3); dải bờ tây sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (thêm một phần quận 4 và quận Bình Thạnh); một phần bờ bắc và nam rạch Bến Nghé (bến Vân Đồn).
Giới hạn nghiên cứu, phía bắc giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè, phía tây giáp đường Đinh Tiên Hoàng - đường Võ Thị Sáu - đường Cách Mạng Tháng Tám, phía nam giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai - đường Cống Quỳnh - đường Nguyễn Cư Trinh - đường Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - đường Vĩnh Phước - đường Hoàng Diệu - đường Nguyễn Tất Thành, phía đông giáp sông Sài Gòn.
Hiện tại, đã có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề nghiên cứu thiết kế đô thị trung tâm, trong đó có cả các đơn vị tư vấn tham gia giàu kinh nghiệm về đô thị Việt Nam như Sasaki (Mỹ), từng tư vấn khu đô thị mới Thủ Thiêm, Nikken Sekkei (Nhật Bản) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TP, Architype (Pháp) đã có quá trình làm việc tại Việt Nam, am hiểu về quy hoạch và kiến trúc Pháp, một trong những kiến trúc đặc trưng của TP.
Trong quá trình thi tuyển cũng như sau khi đã chọn được tư vấn, Sở sẽ tổ chức các buổi hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước để đảm bảo có được phương án thiết kế khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử của thành phố. Ý kiến cụ thể của từng đơn vị sẽ có hội đồng chuyên môn đánh giá.
Đối với những khu vực có hiện trạng kiến trúc chưa tốt sẽ được tiến hành chỉnh trang theo kế hoạch chỉnh trang đô thị của TP. Khu vực phường Cô Bắc - Cô Giang nằm trong ranh giới của dự án này nên sẽ được nghiên cứu đề xuất cụ thể. Chủ trương của TP là sẽ cố gắng tái định cư cho người dân trong khu vực hoặc trên địa bàn.
Đối với các công trình có giá trị bảo tồn, UBNDTP đã có thông báo số quy định danh mục các công trình nghiên cứu bảo tồn và một số nguyên tắc bảo vệ các công trình có giá trị. Đối với dạng biệt thự cũ muốn phá dỡ xây dựng mới cần có sự chấp thuận của UBNDTP kể cả trường hợp xây dựng lại là nhà biệt thự.
Việc di dời bến xe buýt tại công viên Quách Thị Trang sẽ được nghiên cứu trong phương án QHCT khu vực công viên 23/9. Tại đây đã có phương án xây dựng nhà ga xe buýt, metro hiện đại nhằm mục đích tăng khả năng vận chuyển hành khách ra vào khu trung tâm và kết nối với các khu vực khác phù hợp với nguyên tắc tổ chức giao thông tại các đô thị lớn.
Dân số khu trung tâm sẽ giảm
Nghị quyết của Thành ủy TP HCM xác định dân số ở khu vực nội thành, nhất là khu vực trung tâm sẽ được điều chỉnh theo hướng không tăng. Thực tế, thời gian vừa qua, dân số trong khu trung tâm đã có xu hướng giảm do việc di dời, giải tỏa dân ở một số dự án như đại lộ đông - tây, cải thiện môi trường nước, xây dựng cầu đường Nguyễn Văn Cừ…
Bên cạnh đó, cũng đã có sự dịch chuyển của một bộ phận người dân từ nội thành ra các khu đô thị, dân cư mới như Phú Mỹ Hưng (quận 7), An Phú - An Khánh (quận 2)... Trong tương lai, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra. Do vậy, dân số khu trung tâm sẽ giảm, và đây là hướng giảm dân mà lãnh đạo TP đang nói đến.
Sẽ có sự điều chỉnh chức năng sử dụng đất tại một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, sẽ rất hạn chế và TP sẽ có các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo đời sống ổn định cho người dân. Các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng và sửa chữa nhà đơn lẻ vẫn được thực hiện theo đúng luật định.
(Theo SGGP)