Công an huyện Thường Tín, Hà Nội ra quyết định tạm giữ hình sự Lê Thị Mừng (SN 1978, ở xã Dũng Tiến), nghi can trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Công an huyện Thường Tín, Hà Nội ra quyết định tạm giữ hình sự Lê Thị Mừng (SN 1978, ở xã Dũng Tiến), nghi can trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Hơn một tuần trở lại đây, nhiều người tự nhận là chủ nợ đã kéo đến nhà Lê Thị Mừng ở thôn 35 (xã Dũng Tiến, Thường Tín) để đòi nợ, gây náo loạn làng quê. Những người này cho rằng bà Mừng đã vay của họ cả trăm tỷ đồng, người ít vài trăm triệu, nhiều lên đến hơn chục tỷ đồng. Trước sức ép của các chủ nợ, bà Mừng và gia đình đã đi khỏi căn nhà đang ở.
Được chính quyền địa phương vận động, Lê Thị Mừng đã tới công an Thường Tín trình diện, thừa nhận việc vay hàng trăm tỷ của nhiều cá nhân đến nay mất khả năng chi trả. Bước đầu, công an làm rõ, với hình thức huy động vốn, trả lãi suất cao, Mừng đã gom hơn 260 tỷ đồng của những người cùng xã và địa bàn lân cận. Số tiền huy động được, Lê Thị Mừng chia 3 phần, một phần đem cho vay lại để hưởng lãi chênh lệch, phần đem vào Nha Trang buôn bất động sản và phần để trả lãi cho các chủ nợ.
Quá trình điều tra bước đầu, cơ quan chức năng phát hiện những dấu hiệu nghi vấn Lê Thị Mừng nằm trong đường dây tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Cúc (SN 1979, ở thị trấn Phú Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên). Như đã phản ánh, cũng bằng hình thức huy động vốn, trả lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng, Cúc đã lừa gom hơn 230 tỷ đồng và hơn 400 cây vàng trong dân và các cơ sở kinh doanh. Ngày 8-10, phát hiện Cúc bỏ trốn, nhiều chủ nợ đã kéo đến nhà để đòi tiền. Chồng của Cúc đã thỏa thuận gán nợ xe ô tô Audi A8 trị giá 6,5 tỷ đồng và một bộ bàn ghế, tủ chè trị giá khoảng 700 triệu cho các chủ nợ. Sau nửa tháng bỏ trốn khỏi địa phương, Cúc (SN 1979) đã ra đầu thú.
Qua công tác nắm tình hình, cơ quan công an còn phát hiện một số đường dây huy động tiền của nhân dân để cho Cúc vay lại với lãi suất cao. Ngoài Lê Thị Mừng đã ra trình diện, hiện các “chân rết” trong đường dây đã bỏ trốn.
Theo thống kê sơ bộ của Công an Hà Nội, từ đầu năm 2011 đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố xảy ra khoảng 20 vụ vỡ nợ lớn nhỏ, từ hơn 3 tỷ đồng cho đến hơn 200 tỷ đồng.
(Theo TPO)