Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý về dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Hiệp hội này cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thiết phải ban hành mới Thông tư liên tịch của 3 Bộ là Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để điều chỉnh việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương cũng như cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, gồm những hành vi có liên quan như đăng ký thế chấp, xóa đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi thế chấp,...
HoREA đề xuất rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử
dụng đất.
HoREA nêu rõ trong văn bản, Điều 1 dự thảo Thông tư liên tịch quy định phạm vi điều chỉnh "không áp dụng đối với việc đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Nhà ở", điều này không hợp lý, chưa logic với tiêu đề của dự thảo Thông tư liên tịch là "Hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất", thế nhưng "tài sản gắn liền với đất gồm cả nhà ở và công trình xây dựng khác..." (Khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai 2013 quy định).
Thế nên, theo HoREA, khi đề cập tài sản gắn liền với đất thì phải bao gồm cả nhà ở, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng, nhà ở hình thành trong tương lai... Trường hợp chỉ sửa đổi Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ban hành ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chưa đầy đủ, còn cần phải có sự tham gia của Bộ Xây dựng để ban hành Thông tư liên tịch của cả 3 Bộ để điều chỉnh hoạt động đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Như thế mới đảm bảo tính hệ thống, tính logic của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước và các cán bộ công chức thực thi công vụ và sẽ thuận tiện cho các cá nhân, tổ chức đăng ký thế chấp tài sản.
Hiệp hội kiến nghị xây dựng thông tư theo hướng rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục, đồng thời phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đăng ký thế chấp, xóa đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi thế chấp để tạo thuận lợi cao nhất cho cá nhân, tổ chức có liên quan.