Bà nội tôi có 3 con (ba tôi và 2 người cô). Ba má tôi đã qua đời nên anh em tôi ở chung với bà nội. Năm 1991, bà qua đời và không để lại di chúc. Hai người cô thì cũng có gia đình và ở riêng. (Tran Ngoc Yen)
Bà nội tôi có 3 con (ba tôi và 2 người cô). Ba má tôi đã qua đời nên anh em tôi ở chung với bà nội. Năm 1991, bà qua đời và không để lại di chúc. Hai người cô thì cũng có gia đình và ở riêng. (Tran Ngoc Yen)
Yêu cầu:
Căn nhà của bà nội chỉ còn vợ chồng của anh tôi ở mặc dù anh ấy cũng đã mua nhà ở gần đấy. Nay vì hoàn cảnh khó khăn của hai cô và con cái của hai cô cũng như anh em chúng tôi, gia đình muốn bán căn nhà của bà nội để lại. Tuy nhiên, người anh còn ở đấy không chấp nhận, đồng thời muốn chiếm luôn căn nhà đó.
Vậy xin cho chúng tôi biết nên xử lý như thế nào? Sau khi bán được nhà thì phải phân chia thế nào?
Trả lời:
Do bạn không nói rõ, tài sản (ngôi nhà) của bà nội bạn là tài sản riêng của bà nội hay tài sản chung vợ chồng của ông nội, bà nội bạn và ông nội bạn mất năm nào, ba mẹ bạn mất trước hay sau ông nội nên chúng tôi coi ngôi nhà trên là tài sản riêng của bà nội bạn và xin trả lời như sau:
Do bà nội bạn không để lại di chúc nên phần tài sản này sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Bà nội bạn qua đời năm 1991, thì áp dụng pháp luật hiện hành tại thời điểm pháp lệnh thừa kế năm 1990, thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ 01/7/1996 đến 01/01/1999 (30 tháng) không được tính vào thời hiệu khởi kiện (các giao dịch liên quan tới nhà ở).
Như vậy, đối với trường hợp di sản do bà nội để lại, thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế được tính đến năm 2001 và cộng thêm 30 tháng. Hết thời điểm này, các đồng thừa kế của bà nội bạn, bao gồm hai cô của bạn, anh em bạn (được hưởng thừa kế thế vị từ bố bạn) sẽ mất quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản do bà nội bạn để lại.
Tuy nhiên, nếu hai cô của bạn và anh em bạn (là các đồng thừa kế của bà nội bạn) không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận đó là di sản của bà nội bạn để lại chưa chia thì di sản đó được chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế và các đồng thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung (theo Nghị quyết 02/2004/NQ- HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Trường hợp anh của bạn không đồng ý bán nhà để phân chia mà muốn chiếm căn nhà đó thì:
Bạn và hai cô của bạn có thể yêu cầu anh bạn họp gia đình phân chia di sản của bà nội và làm biên bản họp, trong đó có nêu rõ hai cô của bạn, bạn và anh trai bạn là các đồng thừa kế của bà nội bạn và ngôi nhà do bà nội bạn để lại là di sản chưa chia. Nếu anh trai bạn xác nhận nội dung trên thì hai cô bạn và bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chia tài sản chung.
Trường hợp anh trai bạn không xác nhận (không ký vào Biên bản) thì bạn và hai cô của bạn cũng không thể tiến hành khởi kiện chia tài sản chung đồng thời cũng đã mất quyền khởi kiện quyền thừa kế do hết thời hiệu khởi kiện thừa kế.
Luật sư Tô Đình Hưng
Văn phòng Luật sư Đức Quang